Cơ cấu giống và năng suất ca cao ở miền Nam Việt Nam

 

Trương Hồng, Phan Việt Hà, Đào Thị Lam Hương, Đào Thị Lan Hoa và CTV

  1. Giới thiệu

Điều tra ngẫu nhiên 150 hộ trồng ca cao ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cùng với việc phỏng vấn, thu thập thông tin từ các sở ban ngành tại các vùng trồng ca cao cho thấy bức tranh chung về cơ cấu giống, năng suất ca cao hiện nay của Việt Nam vào thời kỳ 2010 – 2015. Số liệu thu thập được là cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch cũng như xây dựng định hướng phát triển ca cao của Việt Nam trong thời gian tới.

  1. Kết quả điều tra, thu thập thông tin

2.1. Cơ cấu giống ca cao

            Kết quả điều tra cho thấy hầu hết những vườn cho năng suất cao được trồng bằng các dòng vô tính tuyển chọn từ hạt giống lai F1 và các dòng vô tính xuất sắc đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công nhận.

            Việt Nam chủ yếu trồng cây giống ca cao ghép (Bộ giống gồm 8 dòng ca cao thương mại nhập nội từ Malaysia đã qua khảo nghiệm và đã được công nhận giống cho phép trồng tại các tỉnh phía Nam), chiếm tỷ lệ 75,02%. Cây giống trồng bằng hạt chiếm 24,98 % (nguồn giống chủ yếu là hạt lai F1 và một số giống trồng bằng hạt lai không rõ nguồn gốc, do dân tự ươm trồng).

image001

Biểu đồ 1. Cơ cấu các loại cây giống ca cao trồng ở Việt Nam

Nguồn: Số liệu điều tra, 2011

Về bộ giống ca cao, trong giai đoạn 2006 – 2010 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận cho sản xuất 8 dòng ca cao vô tính và 5 cây đầu dòng, năm 2011 công nhận thêm 2 dòng vô tính ca cao. Trong đó:

– Giống công nhận chính thức: TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD10, TD14 và 5 cây đầu dòng TC5, TC7, TC11, TC12  (Số 321/QĐ/BNN-KHCN, ngày 26 tháng 01 năm 2006).

– Giống công nhận cho sản xuất thử: PBC 157 và  PBC159 (theo quyết định số 174/QĐ-TT-CCN, ngày 04 tháng 5 năm 2011 của CTT- Bộ NN&PTNT).

Kết quả điều tra cũng cho thấy rằng hiện tại các giống TD3, TD5, TD10, TD6, TD7, TD8, TD9, TD1, TD2, TD14 được trồng khá phổ biến ở các vùng trồng ca cao chính của Việt Nam, trong số đó có các giống ca cao chưa được công nhận. Các dòng TC (5, 7, 11, 12) cũng được trồng với tỷ lệ diện tích không đáng kể ở Đăk Lăk (biểu đồ 3.3.).

image002

Biểu đồ 2. Cơ cấu bộ giống ca cao trồng ở Việt Nam

Nguồn: Số liệu điều tra, 2011, 2014

Tuy các giống đã được công nhận có nhiều ưu điểm về tiềm năng năng suất và khả năng thích nghi, nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng chống chịu với bệnh thối quả do nấm Phytopthora sp. gây ra trong những tháng mùa mưa, đặc biệt là các tháng có lượng mưa cao và số ngày mưa nhiều.

2.2. Năng suất ca cao

image003

Biểu đồ 3. Năng suất ca cao ở các vùng điều tra

Nguồn: Số liệu điều tra, 2011

            Năng suất ca cao kinh doanh (quy trồng thuần) ở Việt Nam có sự biến động theo vùng. Vùng Tây Nam Bộ đạt cao nhất là 1,4 tấn hạt khô/ha (1,27 kg hạt khô/cây); tiếp đến là vùng Đông Nam với năng suất bình quân đạt 1,0 tấn hạt/ha (0,91 kg hạt khô/cây); vùng Tây Nguyên có năng suất là thấp nhất, chỉ đạt 0,9 tấn hạt khô/ha (0,82 kg hạt/cây).

            Tìm hiểu nguyên nhân năng suất ca cao ở vùng Tây Nam Bộ cao hơn so với các vùng khác, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng phát triển ca cao ở vùng này được sự quan tâm của các dự án phát triển cao cao bền vững tại nông hộ (Success alliance) do các tổ chức quốc tế tài trợ như USAID, MARS…dưới sự triển khai thực hiện của đơn vị ACDIVOCA. Dự án đã hỗ trợ cho nông dân giống chất lượng tốt ngay từ đầu, nông dân được đào tạo, tập huấn rất bài bản, vì vậy họ đã áp dụng được một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất ca cao. Ngoài ra, quả ca cao vùng này lại có vỏ mỏng hơn, nên cùng một mức năng suất quả tươi như nhau giữa các vùng thì năng suất hạt khô ở đây lại cho hơn do chỉ số quả thấp hơn. Vùng Đông Nam Bộ cũng được tham gia dự án trên, song quy mô nhỏ hơn, nông dân vẫn được đào tạo tập huấn  kỹ thuật để canh tác ca cao. Vùng Tây Nguyên cũng có một bộ phận hộ nông dân tham gia dự án, song do Đăk Lăk là vùng trồng cà phê trọng điểm, năng suất và hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này rất cao,  khi chuyển sang trồng ca cao do giá cả bấp bênh, sâu bệnh hại phát triển nhiều làm cho năng suất và hiệu quả kinh tế của sản xuất ca cao thấp; nông dân ít quan tâm đầu tư. Chính vì vậy năng suất ca cao ở vùng Tây Nguyên có xu hướng thấp hơn. Mặt khác, vỏ quả ca cao ở vùng Tây Nguyên dày hơn so với Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nên cũng ảnh hưởng đến năng suất hạt do chỉ số quả cao.

            Nhìn chung năng suất ca cao ở các vùng trồng chính còn thấp, nguyên nhân thì có nhiều, song đa số hộ nông dân được hỏi (68 %) đều cho rằng bệnh thối quả là nguyên nhân gây hại nghiệm trọng làm giảm năng suất ca cao mặc dù tỷ lệ ra hoa đậu quả trên vườn ca cao là khá nhiều. Việc quản lý bệnh này thường gặp khó khăn do bệnh tiến triển trong mùa mưa nên gặp trở ngại trong việc phòng trừ. Ngoài ra hiện tại vẫn chưa có loại thuốc hóa học, sinh học nào tỏ ra có hiệu quả cao trong việc quản lý loại bệnh này.

  1. Nhận xét, đánh giá

– Giống ca cao ghép đang trồng ở Miền NamViệt Nam chiếm tỷ lệ 75,02%; cây thực sinh trồng bằng hạt chiếm 24,98 %.

 – Các giống TD3, TD5, TD10, TD6, TD7, TD8, TD9, TD1, TD2, TD14 được trồng khá phổ biến ở các vùng trồng ca cao chính của Việt Nam, song chiếm tỷ lệ diện tích cao là giống TD3, TD5, TD10.

 – Năng suất ca cao thuộc loại thấp, trung bình đạt 1,1 tấn hạt/ha và biến động theo vùng.