Th.s Nguyễn Văn Long – Trung tâm NC&PT cây Hồ tiêu
Trong thời gian qua, tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thời tiết mưa nhiều và liên tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu. Sau khi trời dứt mưa (tháng 9) cũng là thời điểm cây tiêu cần nhiều dinh dưỡng để phát triển quả, tạo kích cỡ hạt, phát triển cành chồi; đây cũng là thời điểm dịch bệnh thể hiện rõ nhất. Nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm tại Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh và Chư Prông có diện tích hồ tiêu chết không ngừng tăng lên. Nguyên nhân chết là do rễ tiêu bị úng nước và nhiễm bệnh đặc biệt là bệnh do nấm Phythopthora gây nên.
Hình 1: Vườn tiêu chết đồng loạt sau khi dứt mưa
Để đảm bảo cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt và phòng trừ sự phát triển, lây lan dịch bệnh sau mùa mưa; bà con nông dân nên áp dụng các giải pháp sau:
* Đối với vườn tiêu sinh trưởng phát triển bình thường:
- Làm sạch cỏ, dọn tàn dư thực vật và đặc biệt tránh làm tổn thương bộ rễ cây.
- Cung cấp kịp thời phân bón gốc để cây có đầy đủ dinh dưỡng nuôi quả, tạo bồn chứa và phát triển cành chồi. Bà con nên bón 03 đợt phân vào các tháng: 9; 11 và tháng 1. Về lượng bón nên tuân thủ theo quy trình hướng dẫn bón phân cho cây tiêu. Cần chú ý cung cấp cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Trong giai đoạn này cây cần nhiều đạm và kali nên công thức bón là 2:1:2 (Đạm- Lân – Kali).
- Bên cạnh đó cần phun 1-2 lần phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng qua lá kịp thời cho cây, bảo sung trung và vi lượng. Loại phân bón lá sử dụng ngoài các yếu tố đa lượng còn có trung và vi lượng.
- Tưới chế phẩm sinh học: Trichoderma, Tricho-Nerma để kiểm soát mật độ nấm và tuyến trùng trong đất; hạn chế sự bùng phát bệnh hại.
- Bón phân hữu cơ đã ủ hoai với Trichoderma cho vườn cây (nếu trong năm chưa bón).
- Thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh để có giải pháp kịp thời.
Hình 2. Phun phân bón lá cho cây tiêu
*Đối với vườn tiêu bị nhiễm bệnh:
- Tiến hành thu gom thân cành lá cây bị bệnh (cây chết) ra khỏi vườn và xử lý. Không được đào, xới xáo đất ở những cây bị bệnh nhằm tránh việc lây lan cho các cây khoẻ.
- Làm cỏ, dọn vệ sinh vườn cây.
- Tiến hành phun thuốc phòng trừ nấm Phythopthora 2 lần, mỗi lần cách nhau 15-20 ngày. Phun toàn bộ vườn cây, phun đẫm tán lá, kết hợp với phun hoặc tưới xung quanh gốc cây. Một số loại thuốc sử dụng: Ridomil Gold 68 WP, Aliette 80 WP với nồng độ 0,1%.
- Cung cấp dinh dưỡng qua lá bằng các loại phân bón lá chuyên dùng cho cây tiêu để giảm tỷ lệ vàng lá, rụng gié.
- Bảo sung phân hữu cơ (phân bò hoặc vỏ cà phê đã được ủ hoai mục) để kích thích bộ rễ phát triển đặc biệt là phát triển rễ tơ. Lượng phân bón cho 01 ha 15-20m3. Tốt nhất nên sử dụng phân hữu cơ có ủ với chế phẩm Trichoderma.
Hình 3. Tưới chế phẩm sinh học
- Ngoài các giải pháp trên bà con nông dân cần chú ý đến biện pháp thoát nước trong vườn tiêu, bón phân cân đối và hợp lý; đặc biệt phải vun gốc tiêu trong mùa mưa để tránh tình trạng ngập úng; thường xuyên kiểm tra để có giải pháp kịp thời.Hạn chế bón phân hoá học trong giai đoạn này, vì bộ rễ của cây tiêu có khả năng nhiễm bệnh và thối. Nếu bón phân hoá học vào thì làm cho bộ rễ tiêu bị xót dẫn đến thối rễ và cây chết nhanh hơn.
- Sau thời gian phòng trừ thấy dấu hiệu bệnh đã dừng lại, cây bắt đầu phát triển, bung chồi chúng ta mới tiến hành sử dụng phân hoá học theo quy trình hướng dẫn và tưới chế phẩm sinh học có chứa Trichoderma, Tricho –Meta.