Đặng Đinh Đức Phong & ctv
- Giới thiệu về cây macadamia (viết tắt là cây mắc ca)
1.1. Nguồn gốc và đặc điểm thực vật học
Mắc ca là loài cây gỗ lớn, có nguồn gốc ở vùng rừng mưa ven biển thuộc miền Nam Queensland và miền Bắc New South Wales ở Australia, giữa vĩ độ 250 và 330 Nam. Năm 1881 mắc ca được đưa tới trồng ở Hawaii vào, lúc đó chúng được sử dụng như một cây trồng rừng. Năm 1948, Trạm nghiên cứu nông nghiệp Hawaii đã đầu tư nghiên cứu về lĩnh vực giống và đã tạo ra các dòng có nhiều triển vọng làm tiền đề cho công nghiệp mắc ca hiện đại ở Hawaii như ngày nay. Ở California hai cây mắc ca đầu tiên được trồng vào đầu thập niên 1880 trong sân Berkeley thuộc đại học tổng hợp California. Năm 1950 California mới bắt đầu nhập khẩu một số giống đã được cải thiện từ Hawaii. Tại Trung Quốc, cây mắc ca đã có mặt ở vườn thực vật Đài loan từ đầu thế kỷ 20, nhưng việc trồng đại trà mới thực hiện trong khoảng 20 năm gần đây.
Cây mắc ca có tên gọi chung là Macadamia hoặc Australia nut hoặc Queenland nut, gồm hai loài là: loài vỏ hạt trơn (Macadamia integrifolia Maiden & Betche) và loài vỏ hạt sần (Macadamia tetraphylla L. Jhonson) và giống lai giữa hai loài này. Cũng có thể phân biệt giữa 2 loài mắc ca này dựa vào số lá trên một đốt thân. Với loài vỏ láng (Macadamia integrifolia), trên mỗi đốt thân thường có 3 lá; loài vỏ nhăn (Macadamia tetraphylla) thường có 4 lá trên mỗi đốt thân.
Sản phẩm chính của cây mắc ca là hạt. Hạt mắc ca có hương vị thơm ngon nhất trong các loại hạt dùng để ăn và được mệnh danh là Hoàng hậu quả khô. Theo kết quả phân tích của Wenkham và Miller năm 1965, thành phần dinh dưỡng trong nhân hạt mắc ca như sau:
Chất béo 78,2%
Các hợp chất đường 10%
Các hợp chất đạm (protein) 9,2%
Hàm lượng nước 1,5-2,5 % (nhân đã được làm khô theo yêu cầu bảo quản lâu dài)
Kali 0,37%
Phôt-pho 0,17%
Ma-nhê 0,12%
Ngoài ra trong mỗi kg nhân hạt mắc ca còn chứa Can-xi 360 mg, Lưu huỳnh 66 mgr, Sắt dễ tiêu 18 mg, Kẽm 14 mg, đồng 3,3 mg, và một số loại Vitamin như Vitamin pp 16 mg, Vitamin B1 2,2 mg, Vitamin B2 2,2 mg; các nghiên cứu sau này còn cho biết thêm: trong nhân mắc ca còn chứa một lượng Vitamin E rất lớn: 6,4 – 18 g/kg nhân.
Nếu so sánh với hàm lượng chất béo sau khi rang của lạc nhân là 44,8%, hạt điều 47%, hạnh nhân 51%, hạt hạch đào 63% thì hàm lượng dầu béo 78% trong nhân Mắc-ca rõ ràng là cao hơn hẳn. Điều đặc biệt là hàm lượng acid béo không no trong dầu mắc ca lên tới 84% chỉ đứng sau dầu Sở (97%) đây là thứ chất béo mà thế giới hiện đại rất coi trọng vì ít dẫn tới nguy cơ tích tụ colesteron trong cơ thể người và rất phù hợp với nhu cầu làm dung môi trong mỹ phẩm.
1.2. Yêu cầu sinh thái
Cây mắc ca là loại cây chịu khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ. Sinh trưởng thích hợp trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, có khả năng chịu hạn cao đồng thời chịu được mưa ẩm. Mắc ca có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau: từ đất sét mùn pha cát, đất đỏ bazan hoặc các loại đất có nguồn gốc núi lửa, đất có lẫn đá ong đến đất sét nặng. Độ pH tối ưu trong đất khoảng 5,5 đến 6,5. Tuy nhiên cần lưu ý rằng cây mắc ca không chịu được điều kiện ngập úng. Lượng mưa trung bình từ 700 mm đến 3.000 mm, lượng mưa tối ưu từ 1.500 mm đến 2.500 mm. Độ cao so với mặt biển từ 300 m đến 1.200 m. Một trong những yêu cầu sinh thái thiết yếu nhất đối với cây mắc ca đó là biên độ nhiệt, đặc biệt là nhiệt độ thích hợp cho cây mắc ca ra hoa. Nhiệt độ thích hợp cho cây mắc ca là từ 120C đến 320C, nhiệt độ tối ưu để cây ra nhiều hoa là từ 12oC đến 21oC, tốt nhất là 18oC. Nếu nhiệt độ ban đêm thấp hơn 12oC và cao hơn 21oC cây mắc ca đều không thể hình thành chồi hoa.
Bảng tổng hợp yếu tố sinh thái chủ đạo cho cây mắc-ca
Yếu tố |
Biên độ thích hợp |
1. Khí hậu |
|
– Nhiệt độ tối ưu ( 0C) |
12 – 32 |
– Nhiệt độ mùa ra hoa ( 0C) |
18 – 21 |
– Lượng mưa tối ưu (mm) |
1.500 – 2.500 |
2. Đất đai |
|
– Loại đất |
Trồng được trên nhiều loại đất khác nhau |
– Kết cấu đất |
Đất tơi xốp, thoát nước tốt |
– Độ pH |
5,5 – 6,5 |
3. Độ cao so với mặt biển |
|
Độ cao tương đối (m) |
300 – 1.200 |
1.3. Giá trị kinh tế của cây mắc ca
Từ năm 2005-2013, giá bán hạt mắc ca trên thị trường thế giới vào khoảng 2-3 USD/kg hạt, tương đương khoảng 40.000-60.000 đồng/kg.
Cây mắc ca ghép sau khi trồng 5-6 năm đã cho thu hoạch đáng kể. Một ha mắc ca trồng thuần ở một số vùng của Tây nguyên với mật độ 286 cây/ha (khoảng cách 5x7m) đến 330 cây/ha (5x6m), vào thời điểm thu hoạch chính từ năm thứ 8 trở đi có thể cho năng suất vào khoảng 3-5 tấn hạt/ha/năm, với giá bán 60.000 đồng/kg hạt thì giá trị thu được từ 180 triệu đến 300 đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng xen trong vườn cà phê với mật độ từ 100 đến 120 cây/ha, năng suất mắc ca thu được vào thời kỳ kinh doanh vào khoảng từ 1,2 đến 1,5 tấn hạt/ha, thì giá trị thu được tăng thêm từ mắc ca trồng xen sẽ từ 60 đến 80 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.
- Các nghiên cứu nổi bật về cây mắc ca tại viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
2.1. Kết quả khảo nghiệm và đánh giá giống
– Về thu thập và đánh giá giống
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên bắt đầu nghiên cứu trồng thử nghiệm cây mắc ca tại Buôn Ma Thuột từ năm 2002, với tập đoàn giống nhập nội từ Trung Quốc. Sau đó Viện tiếp tục nhập nội các giống mắc ca từ Thái Lan và Úc. Hiện nay Viện đã thu thập được hơn 20 giống mắc ca, chủ yếu là các giống mắc ca thương mại trên thế như: H2, 508, OC, 814, 246, 344, 741, 660, A4, A16, A38, A268, A203, 246, 344, DAD, Quế nhiệt …
Quá trình theo dõi cho thấy, cây mắc ca trồng tại Buôn Ma Thuột sau 3 năm trồng bắt đầu ra hoa đậu quả. Tính đến nay Tập đoàn giống mắc ca tại Viện đã có 20 giống cho quả và bước đầu đã chọn được một giống có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên, đó là: OC, H2, A38.
Sau 9 năm trồng năng suất trung bình của 2 giống H2 và OC cho năng suất đạt xấp xỉ 8 kg/cây/năm, tương đương so với năng suất trung bình của cây mắc ca trồng tại Úc và ca hơn so với Trung Quốc (Năng suất trung bình tại Úc sau 9 năm trồng là 8 kg và tại Trung Quốc là 6,58 kg). Giống A38 sau 5 năm trồng đã cho năng suất trung bình đạt hơn 5 kg/cây/năm. Trọng lượng hạt và tỷ lệ nhân của các giống đạt được là khá tốt so với vùng nguyên sản cũng như các khu vực trồng mắc ca trên thế giới. Điều này bước đầu cho thấy cây mắc ca có tiềm năng phát triển ở một số vùng sinh thái trên địa bàn Tây Nguyên.
Song song với quá trình khảo nghiệm các giống mắc ca thương mại tốt trên thế giới, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên còn tiến hành nghiên cứu chọn lọc giống qua phương pháp chọn lọc cây trội từ quần thể trồng bằng hạt. Qua nghiên cứu cho thấy, với điều kiện sinh thái vùng Tây Nguyên, cây mắc ca thực sinh sau 3-4 năm bắt đầu cho quả (không chậm hơn so với cây ghép) và bước đầu Viện đã chọn ra được 10 một số cá thể cho năng suất cao từ quần thể trồng bằng hạt.
Năng suất một số cá thể mắc ca thực sinh có triển vọng sau 7 năm trồng
Địa điểm trồng |
KH |
Năng suất hạt (kg/cây) |
Trọng lượng hạt (g) |
Buôn Ma Thuột |
TM1 |
7,3 |
6,8 |
TM2 |
6,1 |
7,9 |
|
TM3 |
7,3 |
8,4 |
|
TM4 |
8,0 |
9,2 |
|
TM5 |
12 |
7,1 |
|
TM6 |
12,2 |
7,9 |
|
Gia Lai |
TM7 |
7,2 |
9,9 |
TM8 |
6,5 |
10,3 |
|
TM9 |
12,8 |
9,8 |
|
TM10 |
10,4 |
7,1 |
|
Trung bình |
8,98 |
8,44 |
Từ quần thể mắc ca trồng thực sinh, bước đầu chúng tôi đã chọn được 10 cá thể cho năng suất cao, cỡ hạt lớn, trong đó cá biệt có những cây cho năng suất rất ấn tượng, trên 10kg hạt/cây/năm chỉ sau 7 năm trồng. Đây là nguồn vật liệu ban đầu rất có giá trị cho công tác chọn giống mắc ca về sau.
– Kết quả trồng khảo nghiệm giống theo vùng sinh thái trên địa bàn Tây Nguyên
Từ năm 2004, Viện đã tiến hành trồng khảo nghiệm cây mắc ca trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng) với tổng diện tích trồng khảo nghiệm trên 20 ha. Kết quả cho thấy cây mắc ca sinh trưởng phát triển tốt. Hầu hết các vườn mắc ca bắt đầu ra hoa đậu quả sau 3-4 năm trồng.
2.2. Kết quả nghiên cứu về khảo nghiệm giống và phương thức trồng xen
Từ năm 2006, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã bất đầu có những nghiên cứu trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị trên địa bàn Tây nguyên: cà phê vối, cà phê chè, ca cao. Tính đến nay tổng diện tích mô hình trồng xen là hơn 15ha.
Kết quả bước đầu cho thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt ở tất cả các mô hình trồng xen. Đánh giá về khả năng ra hoa đậu quả của cây mắc ca ở các mô hình cho thấy:
– Đối với vườn trồng xen với cà phê vối tại Buôn Ma Thuột, sau 5 năm cho tỷ lệ cây ra hoa trên toàn vườn đạt hơn 70%, năng suất ban đầu đạt được từ 1,3-1,5kg/cây.
– Vườn trồng xen ca cao tại Buôn Ma thuột cho tỷ lệ ra hoa đậu quả sau 5 năm trồng đạt trên 50%, năng suất trung bình đạt 0,5kg/cây.
– Vườn mắc ca trồng xen cà phê chè tại Bảo Lộc – Lâm Đồng cho tỷ lệ ra hoa và đậu quả khá tốt sau 5 năm trồng, với tỷ lệ ra hoa trên toàn vườn đạt 80% và năng suất ban đầu đạt 1,4kg/cây.
Tóm lại: Mắc ca là loài cây mới được đưa vào gây trồng tại Tây Nguyên với quy mô thử nghiệm, bước đầu cho thấy cây mắc ca có thể sinh trưởng phát triển được ở một số vùng sinh thái của vùng, đặc biệt là những vùng có khí hậu lạnh. Sau 9 năm trồng, cây mắc ca đã cho năng suất từ 7-9 kg hạt/cây với một số giống, cá biệt có những cây cho năng suất hơn 10kg/cây/năm. Nếu so sánh với năng suất của vùng nguyên sản cây mắc ca, tại Úc vào năm thứ 10 năng suất trung bình trên cây đạt 10 kg hạt/năm, vào giai đoạn kinh doanh ổn định (từ năm thứ 12 trở đi) năng suất trung bình trên cây chỉ cần từ 12-15kg là đạt hiệu quả. Như vậy có thể nói cây mắc ca có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca.
Hình ảnh của một số giống mắc ca có triển vọng tại vườn tập đoàn,
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.
Giống H2 |
|
Giống OC |
|
Giống A38 |
|