Hỏi: Xin cho biết cách phòng trừ bệnh thối nứt thân trên cây cà phê (anh Cường – xã Ea Quang, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk)
Trả lời: ThS. Đào Thị Lan Hoa – Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế – WASI
Bệnh thối nứt thân hay còn gọi là bệnh thối thân, bệnh nứt thân. Bệnh này do nấm Fusarium spp. gây hại. Đây là bệnh xuất hiện khá phổ biến trên cây cà phê tại Tây Nguyên. Bệnh thường gây hại trong mùa mưa, bệnh phát triển và lây lan nhanh ở những vườn cây cà phê tạo hình không thông thoáng, ẩm thấp, vào những tháng mưa nhiều, ẩm độ không khí cao.
Biện pháp phòng trừ: Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:
– Tạo hình, tỉa cành hợp lý cho cây cà phê để vườn cây phát triển thông thoáng.
– Bón phân cân đối và hợp lý bao gồm phân hữu cơ, phân vô cơ, phân bón lá theo độ phì đất, năng suất, độ tuổi của cây cà phê
– Tưới nước đầy đủ, không áp dụng phương pháp tưới tràn
– Quản lý cây che bóng thích hợp, rong tỉa cây che bóng vào mùa mưa
– Trong quá trình chăm sóc không làm tổn thương thân cây.
– Vệ sinh đồng ruộng là biện pháp quan trọng nhất để quản lý sự gây hại của bệnh nứt thân: làm cỏ hợp lý, loại bỏ các bộ phận bị bệnh.
– Kiểm tra vườn cây thường xuyên, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.
– Nếu bệnh không lây lan đến phần gốc thì cưa bỏ phần bị bệnh phía trên và nuôi chồi mới. Cưa bỏ, thu gom và tiêu hủy đối với cành, cây bị bệnh nặng, không có khả năng hồi phục.
– Biện pháp sinh học: Khi vườn cây có tỷ lệ cây bị bệnh < 5% và phần thân cây mới bị chớm bệnh thì sử dụng một trong các loại thuốc sinh học đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký trừ bệnh cho cây cà phê như: Chaetomium cupreum… Xử lý theo khuyến cáo trên nhãn thuốc. Xử lý 2 – 3 lần, cách nhau 10 – 15 ngày.
– Biện pháp hóa học: Khi vườn cây có tỷ lệ cây bị bệnh ≥ 5 – 10%, thân cây bị bệnh có ít vết bệnh màu nâu đen, vết bệnh có xu hướng lan rộng thì dùng dao cạo sạch phần vỏ thân, mặt cành, thân bị bệnh (đã cưa), sau đó quét thuốc lên trên mặt cành, thân bị cưa và nuôi chồi mới. Trường hợp số cây bị bệnh > 10% thì cần phun thuốc cho các cây bị bệnh và cây gần cây bị bệnh để tránh lây lan.
Hiện nay chưa có thuốc hóa học đăng ký chính thức để phòng trừ bệnh nứt thân. Do vậy khi cây bị bệnh có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc sinh học hoặc hóa học đăng ký trừ các loại bệnh do nấm Fusarium spp., bệnh hại khác trên cây cà phê như Copper Hydroxide. Nếu quét thuốc thì pha với nồng độ thuốc là 1%. Nếu phun thuốc thì sẽ sử dụng nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Xử lý 2 – 3 lần, cách nhau 10 – 15 ngày cho đến khi cây phục hồi.
Tùy thuộc vào việc có tham gia cà phê có chứng nhận hay không để lựa chọn loại thuốc được phép sử dụng có trong danh mục thuốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định hàng năm.