Các phương pháp tưới phổ biến trong sản xuất cà phê

TS. Phan Việt Hà

Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Ở những vùng trồng cà phê  có mùa khô hạn kéo dài trên 3 – 4 tháng thì việc tưới nước quyết định đến khả năng sinh trưởng và năng suất cà phê. Tưới nước có tác dụng duy trì sinh trưởng của cây cà phê, đồng thời là điều kiện để cây ra hoa. Sau một thời kì khô hạn để phân hóa mầm hoa, cây được tưới nước đủ sẽ ra hoa  tập trung. Trong giai đoạn nở hoa, cây cần một lượng nước lớn hơn nhiều so với giai đoạn khác, vì lúc này các hoạt động sinh lý trong cây xảy ra rất mạnh. Mặt khác ở giai đoạn này nếu thiếu nước kèm nhiệt độ không khí cao, ẩm độ không khí thấp, hoa cà phê sẽ phát triển bất bình thường và thành hoa sao, không thụ phấn được. Cũng có khi hoa đã nhú mỏ sẻ nhưng bị thiếu nước sẽ chuyển thành hoa chanh màu tím nhạt rồi khô rụng. Thiếu nước trầm trọng trong giai đoạn này có thể khiến cho hoa khô, thậm chí gây chết cành.

Trong ngành cà phê thường sử dụng một trong các kỹ thuật tưới sau:

– Kỹ thuật tưới phun mưa

phun mua

Hệ thống tưới gồm một máy bơm có công suất từ 15 – 50 mã lực và hệ thống ống dẫn bằng kim loại nhẹ, thường được làm bằng hợp kim nhôm để dễ di chuyển bằng thủ công và cuối cùng là những vòi phun. Dưới tác động của áp suất trong hệ thống ống dẫn, các hạt nước thoát ra khỏi vòi phun dưới dạng những hạt mưa nhỏ.

Kỹ thuật tưới phun mưa được sử dụng phổ biến nhất ở các nước trồng cà phê nhờ có chất lượng nước cao, nước tưới được phân bố đều khắp tán cây và hệ thống tưới có thể hoạt động bình thường ở những nơi có địa hình phức tạp nhiều đồi dốc, số lần tưới thấp, bình quân tưới 3 lần trong năm. Tổng kết của Ấn Độ cho thấy áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa đã có tác dụng cải thiện được điều kiện dinh dưỡng trong cây, giúp quả chín tập trung, chiều dài cành tăng gấp đôi và năng suất tăng từ 85 – 95% so với vườn không được tưới (Naidu, 2000).

Trở ngại chính của kỹ thuật tưới này là tiêu tốn nhiều nhiên liệu do đòi hỏi áp lực tại vòi phun khá cao, tổn thất nước khá nhiều đặc biệt là ở những vườn cà phê trồng thưa và những vùng có gió lớn. Đầu mùa khô ở Tây Nguyên là thời kỳ có vận tốc gió cao nhất, trên 2 m/giây.

– Kỹ thuật tưới dí gốc

tuoi di

Việt Nam là nước duy nhất sử dụng phổ biến kỹ thuật tưới gốc cho cây cà phê. Hệ thống tưới gồm một động cơ có công suất từ 8 – 16 mã lực, máy bơm và hệ thống ống dẫn nước bằng nhựa. Theo phương pháp này nước được dẫn trực tiếp vào từng bồn đất được đào xung quanh mỗi gốc cây cà phê. Ưu điểm của kỹ thuật tưới gốc là trang thiết bị rẻ tiền, tổn thất nước ít, chi phí nhiên liệu thấp.

Hệ thống tưới được lắp đặt và tháo dỡ theo từng lần tưới nên dễ bảo vệ và phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, phân tán của Việt Nam. Số lần tưới thấp, bình quân tưới 3 lần trong năm. Nhược điểm chính của phương pháp tưới này là chi phí nhân công vận hành cao, thao tác nặng nhọc và đòi hỏi phải tạo bồn chứa nước xung quanh gốc. Nguyên nhân chính khiến nhiều nước trên thế giới không sử dụng phương pháp tưới gốc vì không tạo bồn để chứa nước tưới.

Do tại Việt Nam phần lớn cà phê được trồng ở các vùng có mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Với 6 tháng mùa khô với gió nhiều và độ ẩm thấp thì việc tưới nước là công việc bắt buộc. Bằng kỹ thuật trồng âm khi trồng mới, phần cổ rễ của cây con được đặt thấp hơn mặt đất xung quanh từ 10 – 15 cm, những người trồng cà phê ở Việt Nam đã hạn chế được sự tổn thương của bộ rễ khi tiến hành đào bồn và cho phép sử dụng hiệu quả kỹ thuật tưới gốc.

Về quản lý tưới nước cho cà phê vối vào giai đoạn kinh doanh, các nghiên cứu của WASI từ 1995 – 1999 (Lê Ngọc Báu – 1999) đã xác định lượng nước tưới cho cà phê kinh doanh đối với tưới phun mưa từ 600 – 700 m3/ha/lần; đối với tưới dí từ 500 – 600 lít/gốc/lần với chu kỳ tưới là từ 20 – 25 ngày/lần. Tưới lần đầu thì lượng nước cao hơn so với định mức từ 10 – 15%. Trong các vườn cà phê áp dụng kỹ thuật tưới gốc thì tạo bồn là một kỹ thuật quan trọng nhằm giúp cây cà phê giữ nước khi tưới trong mùa khô. Đối với các vườn cà phê trồng trên đất dốc thì tạo bồn cũng là biện pháp hữu hiệu chống xói mòn, rửa trôi.

– Kỹ thuật tưới nhỏ giọt

nho giot

Hệ thống tưới gồm có máy bơm, bể chứa phân bón, bộ lọc, các đường ống dẫn nước được lắp đặt cố định trong vườn cây, vòi nhỏ giọt và các van phân phối nước. Trong kỹ thuật tưới nhỏ giọt, nước và phân bón được cung cấp cho từng khoảnh đất trên cánh đồng và tập trung ở phần hoạt động chủ yếu của bộ rễ cây trồng, với lưu lượng rất nhỏ từ 2 – 6 lít/giờ nên hiệu quả sử dụng nước và phân bón rất cao. Một số vùng trồng cà phê ở Brazil, Bờ Biển Ngà và Ấn Độ đã sử dụng kỹ thuật tưới này (Azizuddin, 1994).

Kỹ thuật tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm như tiết kiệm nước (30 – 50%), phân bón và công lao động. Kết quả nghiên cứu của Snoeck (1988) tại Bờ Biển Ngà cho thấy kỹ thuật tưới nhỏ giọt có thể tiết kiệm được 50% lượng nước tưới so với tưới phun mưa trong khi năng suất cà phê (tích lũy 2 năm) không có sự khác biệt giữa 2 phương pháp tưới. Tuy nhiên, kỹ thuật tưới nhỏ giọt có những hạn chế sau: trang thiết bị đắt tiền, đòi hỏi chất lượng nước tưới cao, chu kỳ tưới ngắn (1 – 10 ngày), hệ thống tưới được đặt cố định trên vườn cây. Trước đây, tưới nước nhỏ giọt được đưa vào thử nghiệm cho cây cà phê nhưng hạn chế quan trọng nhất là lưu lượng nước quá nhỏ (2 – 4 lít/giờ) của một van nhỏ giọt, không phù hợp với yêu cầu sinh lý ra hoa của cây cà phê là cần một lượng nước lớn để kích thích hoa nở tập trung (Hoàng Thanh Tiệm và Lê Ngọc Báu, 2000 ). Tuy nhiên gần đây, với việc cải tiến tăng số lượng van nhỏ giọt trên một gốc cà phê nên lượng nước cung cấp cũng tăng lên đáng kể và bước đầu cho thấy đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển cà phê.

– Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước phun mưa cục bộ

tuoi-nuoc-tiet-kiem-quanh-goc-ca-phe

Trên cơ sở cải tiến kỹ thuật tưới nhỏ giọt, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước không sử dụng van tưới nhỏ giọt mà sử dụng béc phun mưa nhỏ nhằm tăng lưu lượng nước tưới tại mỗi vòi từ 60 – 90 lít/giờ đã đáp ứng yêu cầu nước của cây. Hệ thống tưới tiết kiệm nước được lắp đặt các van để điều chỉnh áp lực và lưu lượng nước tưới. Với chế độ tưới 360 lít/gốc cho lần đầu và 160 – 180 lít/gốc ở các lần tưới sau, chu kỳ tưới lần đầu 20 ngày và chu kỳ 10 ngày cho các lần sau đã có tác dụng giảm khoảng 20% lượng nước tưới, 20% lượng phân đạm, kali và trên 80% chi phí nhân công tưới nước (Lê Ngọc Báu và Phan Việt Hà, 2014).

Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vẫn giữ được những ưu điểm của kỹ thuật tưới nhỏ giọt như: tiết kiệm nước, tiết kiệm công tưới và nâng cao hiệu quả của phân bón. Mặt khác, do không lắp đặt vòi tưới nhỏ giọt nên không cần hệ thống lọc nước, van xả khí và giá thành của thiết bị thấp hơn so với hệ thống tưới nhỏ giọt (khoảng 30 – 70% của hệ thống tưới nhỏ giọt), toàn bộ thiết bị có thể sản xuất trong nước và có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, cũng giống như tưới nhỏ giọt, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước phun mưa cục bộ có một số nhược điểm là phải tưới nhiều lần trong năm, hệ thống tưới phải được lắp đặt cố định trong vườn cây nên dễ bị mất cắp.

Trong sản xuất, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được áp dụng có hiệu quả  trên cây ăn quả, hồ tiêu và một số cây trồng khác ở Đồng Nai. Những kết quả bước đầu về nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tưới này trên cây cà phê ở Tây Nguyên cho thấy có khả năng tiết kiệm được 20% lượng nước tưới, 20% phân đạm và kali. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê đang được khảo nghiệm, đánh giá ở quy mô lớn trong sản xuất và có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu tiết kiệm nước và ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra.