TS. Trương La
Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện đã tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp cho tỉnh Lâm Đồng, gồm: cà phê chè, dâu, tằm, cây chè, các giống bò thịt cao sản, giống cỏ chăn nuôi…; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Những kết quả nổi bật của Viện được tóm tắt như sau:
1. Kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ Lâm Đồng
1.1. Cây cà phê
– Các giống cà phê chè khảo nghiệm tại TP. Đà Lạt và huyện Lâm Hà sinh trưởng phát triển tốt phát triển tốt. Trong đó giống TN4 cho năng suất cao và khả năng kháng sâu bệnh hại cũng tốt hơn so với các giống khác ở cả 3 vùng sinh thái của Lâm Đồng.
– Các giống cà phê chè lai TN ở các khảo nghiệm và mô hình trồng tại Lâm Đồng đều có năng suất và chất lượng cà phê nhân sống cao hơn hoặc tương đương so với giống Catimor. Các giống lai có năng suất cao tại các vùng trồng là TN1, TN2, TN6, TN7, TN9. Các giống có khối lượng 100 nhân và tỷ lệ hạt trên sàng 16 lớn nhất là TN1, TN5, TN6, TN7, TN9, TN10. Khối lượng 100 nhân của các giống này đạt trên 16 g, tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt trên 80%. Tỷ lệ tươi/nhân của các giống biến động trong khoảng từ 5,8 – 6,5.
– Đối với các giống thuần THA1, THA2, THA3 trồng khảo nghiệm và mô hình tại huyện Lâm Hà và Đơn Dương đều có năng suất và chất lượng cà phê nhân sống cao hơn so với giống Catimor, trong đó giống THA1, THA2 có năng suất nổi trội nhất. Các giống THA1, THA2, THA3 đều có khối lượng 100 nhân > 16,5 g và tỷ lệ hạt trên sàng 16 > 80%. Tỷ lệ tươi/nhân của các giống này biến động từ 5,9 – 6,2.
– Các giống thuần THA1, THA2, THA3 trong các mô hình trồng mới tại huyện Đức Trọng và Lạc Dương đều sinh trưởng tốt hơn hoặc tương đương giống Catimor, trong đó giống THA1 sinh trưởng tốt nhất, số cặp cành cấp 1 và số đốt/cành đạt lớn nhất.
– Đã xác định được các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng phù hợp để phát triển cà phê chè bao gồm: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và Đam Rông.
– Công thức phân bón cho cà phê chè (280 N : 120 P2O5 : 300 K2O + 30 tấn phân chuồng cho cà phê chè có xu hướng năng suất cao hơn và hiệu quả hơn.
– Các công thức bón phân cho cà phê chè giống lai và giống thuần (THA1, THA2, THA3) tại tỉnh Lâm Đồng (gồm các huyện Lâm Hà, Đơn Dương và TP. Đà Lạt) với hàm lượng nguyên chất tương ứng 280 kg N + 120 P2O5 + 300 K2O và 350 kg N + 180 P2O5 + 330 K2O so với lượng bón truyền thống không ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất, giúp giảm bớt chi phí đầu vào.
– Đã xây dựng các vườn giống đầu dòng/vườn nhân chồi tại Lâm Đồng (1 ha).
– Xây dựng 12 ha mô hình áp dụng các biện pháp KT tái canh ngay cà phê 03 ha tại Lâm Đồng, hiệu quả mô hình tốt hơn so với đối chứng, tỷ lệ cây bị vàng lá thối rễ <10%. Mô hình tái canh sau 1 năm trồng tỷ lệ cây sống ở các mô hình > 95%. Các mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt.
– Mô hình ICM đã góp phần giảm chi phí, đầu vào, sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả, giảm được lượng phân bón (N và P), giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
– Biện pháp tạo hình đa thân cho các dòng cà phê vối chín muộn có năng suất vượt trội hơn so với tạo hình đơn thân. Kỹ thuật ghép cải tạo sẽ rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản (KTCB), giảm chi phí so với trồng mới, vườn cây và chất lượng hạt đồng đều, cho năng suất cao hơn, giá bán cà phê nhân cũng cao hơn so với khi chưa ghép.
1.2. Cây chè
– Bón các loại phân hữu cơ sinh học: HCSH-RAS, HCSH-NAS, HCSH-TRN1, HCSH-TRDT cho cây chè làm năng suất tăng 5 – 10% so với đối chứng và giảm được lượng phân vô cơ 15%.
– Bón phân hữu cơ sinh học với lượng 150% và 200% so với khuyến cáo (tương đương 3.000 – 4.000 kg/ha/năm) làm tăng năng suất chè, mặc dù ở các công thức này đã giảm lượng phân hóa học từ 15 – 30% so với đối chứng.
– Xây dựng và chứng nhận 10 ha mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng 265 tấn chè nguyên liệu búp tươi/năm. Ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất chè nguyên liệu búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP năng suất tăng > 13%, giá bán tăng 5,68%, lợi nhuận tăng 24,69%.
1.3. Cây dâu, nuôi tằm
– Ứng dụng quy trình quản lý tổng hợp đối với cây dâu, năng suất dâu tăng 40 – 60%; hiệu quả kinh tế tăng 25 – 30% giữa tưới và không tưới
– Giống dâu VA-201 có tiềm năng năng suất cao: 30- 35 tấn/ha; sinh trưởng phát triển thân cành mạnh, thích hợp cho thu hoạch cắt cành; chất lượng lá tốt, thích hợp cho nuôi tằm con; cho thu hoạch quanh năm.
– Giống dâu TLB-03 có tiềm năng năng suất cao: 40 – 60 tấn/ha. Sinh trưởng phát triển thân cành mạnh, thích hợp cho thu hoạch cắt cành. Chất lượng lá tốt, thích hợp cho cả tằm con và tằm lớn. Cho thu hoạch quanh năm, có khả năng kháng rầy.
– Tiềm năng năng suất của giống TBL-05 cao: 40 – 60 tấn/ha; chất lượng lá tốt, thích hợp cho cả tằm con và tằm lớn. Lá lớn nên giảm công thu hái và cho thu hoạch lá quanh năm, có khả năng kháng rầy.
– Mô hình trồng dâu TBL-03 có lợi nhuận cao hơn trồng giống dâu khác khoảng từ 11,0 – 20,6%; Mô hình trồng giống dâu TBL-05 có lợi nhuận cao hơn đối chứng từ 5,9 – 15,0%. Các mô hình phù hợp điều kiện sản xuất tại vùng Tây Nguyên, do vậy khả năng nhân rộng phát triển dễ dàng.
– Việc ứng dụng quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây dâu giúp năng suất tăng từ 40 – 60%; hiệu suất sử dụng phân bón cao; hiệu quả kinh tế tăng 25 – 30% so với không tưới; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
– 5 giống kén bầu LAREC3, KT2, O2B, JVK, A2 và 2 giống kén eo A1, LAREC8 là những giống nổi trội về sức sống, năng suất và chất lượng tơ kén tốt, có tiềm năng cho công tác lai tạo giống tằm.
– Giống tằm LĐ-09: Năng suất kén cao 45 – 50 kg/hộp 20 g trứng, chiều dài tơ đơn khoảng 1.000 m, có thể nuôi quanh năm ở Lâm Đồng.
– Giống tằm TN-1278: Năng suất kén cao 40 – 50 kg/hộp 20 g trứng; chất lượng tơ kén tốt (chiều dài tơ đơn lớn > 1.000 m, cấp tơ 2 – 3A); có thể nuôi quanh năm ở Lâm Đồng.
– Xây dựng được quy trình nhân giống tằm đối với giống lai LĐ09. Cung cấp 11 nghìn hộp trứng LĐ09 phục vụ sản xuất. Trứng tằm sản xuất ra đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hợp lý.
– Xây dựng được mô hình nuôi tằm giống mới LĐ09 tại Lâm Hà và Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đạt hiệu quả năng suất cao hơn 5 – 7% so với nuôi giống khác.
– Hàng năm cung ứng cho sản xuất từ 2.000 – 3.000 hộp trứng tằm và trên 1.000 hộp tằm con.
1.4. Chăn nuôi gia súc và đồng cỏ
– Lai tạo các cặp bò lai giữa các giống bò cao sản: Brahman, Drought Master, Red Angus với bò Laisind tại Lâm Đồng, khối lượng của bò các nhóm lai lúc 18 tháng tuổi đạt tương ứng: 288,3 kg/con; 320,0 kg/con và 327,3 kg/con và cao hơn bò Laisind, chi đạt 184,5 kg/con (2013 – 2016).
– Năng suất các giống cỏ chăn nuôi đạt khá cao: cỏ Voi (Penisetum purpureum) đạt 220 – 240 tấn chất xanh/ha; cỏ Sả (Panicum maximum): 180 – 220 tấn chất xanh/ha; cỏ VA06 đạt 230 – 320 tấn chất xanh/ha.
– Chuyển giao quy trình chế biến cỏ và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò (ủ chua, ủ rơm u rê, ủ chua sinh học…); quy trình vỗ béo bò thịt, kỹ thuật sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR cho bò thịt và bò sữa.
– Mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng các giải pháp KHCN tại Đơn Dơn, Đức Trọng (Lâm Đồng) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi truyền thống là 30,2%.
– Mô hình chăn nuôi bò lai cao sản tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập các mô hình tăng cao hơn chăn nuôi truyền thống là 33,1%. Thu tăng thêm sau 02 năm là trên 1.856 triệu đồng (Trung bình: 928 triệu đồng/năm).
2. Định hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới
– Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Nghiên cứu xây dựng một số mô hình nông lâm kết hợp phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Lâm Đồng.
– Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cà phê (bón phân, tưới nước, thu hoạch….)
– Nghiên cứu xây dựng các mô hình trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê nhằm tăng thu nhập, hạn chế rủi ro trong sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị về cây mắc ca, cây điều, cây chè, cây chuối…
– Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Lâm Đồng.
– Nghiên cứu phát triển các giống dâu, giống tằm, trứng tằm phục vụ sản xuất tại Lâm Đồng.
– Nghiên cứu phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ tại tỉnh Lâm Đồng.
– Chuyển giao các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật cây cà phê. Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê chè theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho các đơn vị và cá nhân. Xây dựng thương hiệu cà phê chè từ các giống cà phê chè lai và giống thuần do Viện nghiên cứu và tuyển chọn tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
– Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây cà phê cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng.
– Xây dựng các vườn nhân giống ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm (gồm vườn ươm và vườn nhân chồi) với quy mô 1 ha trở lên.
– Xây dựng các mô hình trồng giống cà phê vối, cà phê chè nuôi cấy mô.
– Xây dựng vườn sản xuất cung cấp nguồn giống tốt của các giống cà phê chè tại Lâm Đồng.
Hình 1. Giống cà phê chè lai TN |
Hình 2. Mô hình đánh giá giống cà phê chè thuần THA1, THA2, THA3 |
Hình 3. Giống dâu TLB-05 |
Hình 4. Bò lai cao sản Red Angus |