Cà phê, giao tiếp xã hội và kết nối cộng đồng

Cà phê bắt đầu được trồng và buôn bán sớm nhất ở vùng bán đảo Ả rập. Vào thế kỷ thứ 15, cà phê được trồng ở quận Yêmen, sau đó vào thế kỷ thứ 16 được trồng ở Ba tư, Ai Cập, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn này, những quán cà phê công cộng được phát triển rất mạnh ở vùng Trung đông. Đây là những nơi mà mọi người đến nghe nhạc, xem biểu diễn, chơi cờ và bàn luận về các tin tức trong ngày xung quanh ly cà phê. Quán cà phê lúc này trở thành trung tâm trao đổi thông tin đến nỗi nó được gọi là những “Trường học thông thái”.

Đến thế kỷ thứ 17 thì cà phê xuất hiện làm đầu tại Châu âu. Mới đầu, cà phê được bán ở các hiệu thuốc như một loại thuốc trị bệnh. Ngay sau đó, các quán cà phê được mở ra và nhanh chóng phổ biến. Quán cà phê đầu tiên của Châu âu được mở ở thành phố Venice (Ý) vào năm 1683. Thời điểm này, các quán cà phê nhanh chóng trở thành những điểm tụ tập ở châu Âu và sự xuất hiện của chúng có ý nghĩa lớn trong các công cuộc cải cách văn hóa và chính trị ở châu âu vào thế kỷ 17 và 18. Các quán cà phê được sử dụng như một diễn đàn để trao đổi quan điểm, nuôi dưỡng ý tưởng của các tầng lớp xã hội khác nhau. Thêm vào đó, quán cà phê cũng là nơi thường xuyên lui tới của các nhà triết học, cổ học, lịch sử. Đây là nơi các học giả có cùng quan tâm đến để đọc, học và tranh luận với nhau. Ở Pháp hiện vẫn giữ được quán cà phê Procope, đây là địa điểm ở thế kỷ thứ 17 được rất nhiều nhà văn, nhà thơ và tư tưởng lớn như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Diderot, vv.. thường xuyên lui tới.

Thời đại hiện nay, quán cà phê vẫn tiếp tục là nơi mọi người tụ tập để nói chuyện, đọc, viết, giải trí và thậm chí là giết thời gian. Đây vẫn là nơi gặp gỡ thường xuyên, có thể không định trước của các thành viên trong cộng đồng và thường trong điều kiện như thế, các hoạt động trao đổi qua lại thường mang tính cởi mở và bao dung hơn. Vì vậy, quán cà phê đóng vai trò kết nối cộng đồng và như vậy làm tăng các giá trị tốt đẹp của cộng đồng đó. Tính xã hội của cà phê đã phổ biến tới các gia đình khi họ thường có những buổi cà phê và trò truyện mỗi sáng ở nhà. Điều này cực kỳ có ích cho những người già khi mà cơ hội giao tiếp xã hội của họ đã bị hạn chế hơn.

Nhiều người nói, cafe là thứ thức uống khơi nguồn cho những sáng tạo và là cầu nối giao tiếp của nhiều người mà không một thức uống giải khát nào thay thế được.Trong tương lai xa hơn nữa, có thể văn hóa uống cà phê cũng sẽ có những đổi mới. Nhưng một điều chắc chắn, thú vui gặp gỡ và giao tiếp bên ly cà phê vẫn sẽ là một lựa chọn của người Việt.