Bón phân cho Hồ tiêu kinh doanh như thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao? Khi tiêu đang ra hoa, thụ phấn có sử dụng phân bón lá để phun được không?

TS. Trương Hồng

image001Trước tiên cần thống nhất với nhau rằng, hiệu quả kinh tế ở đây được đánh giá trên cơ sở hiệu quả đầu tư hoặc lợi nhuận trên 1 đồng vốn bỏ ra. Doanh thu cao, không hẳn là hiệu quả 1 đồng đầu tư cao!

Để đạt được hiệu quả đầu tư cao đối với phân bón, đặc biệt là phân bón vô cơ, điều đầu tiên là phải làm thế nào nâng cao được hiệu quả sử dụng. Hiệu quả sử dụng phân bón cao là cơ sở để giảm chi phí đầu tư, và do vậy sẽ giảm được giá thành và tăng hiệu quả kinh tế.

Áp dụng tốt nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón là giải pháp kỹ thuật vô cùng quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, đó là:

 

 

 

  • Bón đúng/đầy đủ chất dinh dưỡng mà cây hồ tiêu cần: các chất dinh dưỡng mà cây hồ tiêu cần vào thời kỳ kinh doanh xếp theo thứ tự về số lượng như sau: đạm (N), kali (K), magie (Mg), can xi (Mg), lân (P), lưu huỳnh (S), kẽm (Zn), bo (B)…. Vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ các loại phân cho cây hồ tiêu nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
  • Bón đúng lượng phân mà cây cần để cho sản phẩm thu hoạch: Lượng dinh dưỡng khuyến cáo cho vườn tiêu đạt năng suất từ 4 – 5 tấn hạt khô như sau:

+ Dinh dưỡng đạm từ 400 – 450 kg N/ha; tương đương 860 – 970 kg u rê/ha, trong đó nên thay khoảng 10 % phân u rê bằng SA để cung cấp lưu huỳnh cho cây.

+ Dinh dưỡng lân từ 120 – 150 kg P2O5/ha; tương đương 790 – 1000 kg lân nung chảy/ha. Trong lân nung chảy có khoảng 28 – 30 % CaO và 17 – 18 % MgO nên không cần phải bổ sung  thêm trung lượng Ca (can xi) và Mg (Magie) cho cây.

+ Dinh dưỡng kali từ 400 – 450 kg K2O/ha; tương đương 670 – 750 kg phân Kali clorua.

+ Bổ sung dinh dưỡng Zn, B bằng các loại phân bón lá chuyên dùng có hàm lượng kẽm và bo cao như NUPE do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu sản xuất.

+ Bón phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học có các vi sinh vật đối kháng nấm và tuyến trùng trong đất giúp cây tiêu tăng hệ số sử dụng phân bón, tăng được khả năng đề kháng với các loại sâu bệnh hại phát sinh từ đất.

  • Bón đúng thời điểm mà cây cần. Đối với cây hồ tiêu, tối thiểu bón 4 lần/năm. Phân lân bón vào đầu mùa mưa. Phân Urê, SA và Kali clorua hoặc các loại phân hỗn hợp NPK với hàm lượng dinh dưỡng tương đương như đã khuyến cáo ở trên; bón vào các thời điểm sau thu hoạch, ra hoa khoảng 20 % tổng lượng phân; giai đoạn nuôi trái đến trước thu hoạch từ 2 – 3 lần và tỷ lệ tăng dần theo quá trình tăng trưởng của cây và quả tiêu.
  • Bón đúng kỹ thuật, phương pháp: Bón phân khi đất đủ ẩm, rải phân lên mặt đất chung quanh tán, xăm xới nhẹ lấp phân vào đất, tránh làm đứt rễ tiêu.

Phân bón lá được phun 2-3 lần trong mùa mưa, phun đúng nồng độ hướng dẫn trên bao bì để tránh sự cháy lá, rụng gié do nồng độ quá cao. Sử dụng các loại phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu như NUPE làm giảm được tỷ lệ rụng gié, rụng quả, tăng khả năng tăng trưởng cành ác. Phun phân bón lá vào những ngày trời mát không nắng gắt và phun kỹ trên và dưới mặt lá.

Lưu ý: Trường hợp năng suất tăng hơn 5 tấn hạt/ha, thì cứ 1 tấn hạt tiêu tăng thêm, bà con bón bội khoảng 10 – 15 % tổng lượng phân ở trên.

Tuy nhiên để sử dụng phân bón có hiệu quả, tiết kiệm thì bà con nên lấy mẫu đất hoặc nhờ cơ quan chuyên môn hướng dẫn lẫy mẫu đất để phân tích độ phì vườn tiêu của nhà mình gửi hoặc mang đến Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để phân tích. Căn cứ vào độ phì nhiêu đất và năng suất của vườn tiêu, cán bộ chuyên môn sẽ tính toán và đề xuất lượng phân bón cụ thể. Bà con căn cứ vào đề xuất của Viện để bón phân cho hiệu quả. Sau 3 – 4 năm sau, nên lẫy mẫu lại để phân tích. Chi phí cho việc áp dụng kỹ thuật tiến bộ này là không cao, nhưng hiệu quả mang lại rất to lớn, giúp bà con tiết kiệm phân bón, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Khi cây tiêu đang ra hoa, thụ phấn tuyệt đối không phun các loại phân bón lá hoặc thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình thụ phấn của cây (hạt phấn bị tổn thương, chết không thụ phấn được hoặc chất lượng thụ phấn kém…), làm giảm năng suất về sau. Tốt nhất sau khi cây tiêu đã đậu quả thì nên tiến hành phun phân bón lá.

Mọi  thông tin cần tư vấn, xin liên hệ:

  • Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, 53 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk (xin vào thẳng cơ quan để liên hệ, không liên hệ với những người ở ngoài cổng!)
  • Số điện thoại: 0500.3862876; 0500.3833369; 0914.041.198.