TS. Phạm Công Trí
Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp
Bón cân đối phân khoáng là một trong những biện pháp kỹ thuật chăm sóc quan trọng, góp phần nâng cao năng suất hồ tiêu, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện độ phì và sức khỏe đất. Nói chung, nếu xét về mặt liều lượng thì bón cân đối phân khoáng cho hồ tiêu có thể được hiểu là:
(1) Bón đầy đủ, cân đối tất cả các yếu tố đa, trung và vi lượng để cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao;
(2) Bón đúng liều lượng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn cho hồ tiêu; không bón quá nhiều so với nhu cầu dinh dưỡng của cây gây rửa trôi, lãng phí; cân đối đầy đủ vô cơ và hữu cơ.
Việc bón cân đối phân khoáng cho hồ tiêu thường dựa trên những cơ sở khoa học và thực nghiệm, trong thực hành sản xuất thường chú ý các khía cạnh cốt lõi sau:
* Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của cây qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển
Sau khi trồng, sinh khối trong các bộ phận của cây (rễ, thân, cành, lá, hoa, gié, quả) tăng rất nhanh và đạt cực đại ở tháng thứ 22 (giai đoạn mang quả). Từ tháng thứ 23 đến 26, sinh khối của cây hồ tiêu giảm xuống rõ rệt do thu hoạch quả và sự rụng lá sau thu hoạch. Sau đó, sinh khối tăng trở lại khi cây tiêu bước vào giai đoạn ra hoa, ra lá và phát triển quả cho một mùa vụ mới. Cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng theo từng giai đoạn là rất cần thiết để cây sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao và phục hồi tốt sau khi thu hoạch.
* Dựa vào mức độ nhu cầu về đa lượng và trung lượng của cây qua các giai đoạn
Các yếu tố cần thiết nhất cho cây hồ tiêu trong các giai đoạn phát triển là đạm (N) và kali (K2O); sau đó là canxi (CaO), lân (P2O5) và magie (MgO). Có thể sắp xếp nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu theo thứ tự ưu tiên như sau: N>K2O>CaO> P2O5>MgO.
* Dựa vào lượng dinh dưỡng cây tiêu lấy đi từ đất (sinh trưởng, cho năng suất)Nguồn: (Ann, 2012)
Sản phẩm sau khi thu hoạch của cây hồ tiêu là hạt tiêu. Phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong 1 tấn hạt tiêu đen (hạt tiêu khô) sẽ cho biết được lượng dinh dưỡng cây lấy đi từ đất. Ví dụ: trong 1 tấn tiêu đen có 46 kg N + 10kg P và 63kg K + trung và vi lượng (không phân tích) (Sadanandan, Peter et al. 2002).
Trong thống kê mô phỏng, lập hàm tương quan người ta sử dụng khối lượng tiêu đen (quả khô) làm biến độc lập vì nó ổn định và là tiền lệ phổ biến rồi. Khối lượng quả tươi rất biến động, tùy thuộc vào độ ẩm và bảo quản, đưa đến sai số lớn trong tính toán và dự đoán, ít tác giả lập hàm từ tiêu tươi. Giữa tiêu tươi (điều kiện tiêu chuẩn), tiêu đen, tiêu trắng,… có thể lập hàm quy đổi. |
Cần phải bón vào đất lượng phân bón cao hơn lượng dinh dưỡng lấy đi từ đất do phải bù hoàn lại lượng dinh dưỡng bị mất đi do quá trình canh tác như xói mòn, rửa trôi, nắng gió và bị giữ chặt trong đất cây không sử dụng được.
* Nhu cầu dinh dưỡng theo phân kỳ thực hành sản xuất của hồ tiêu ở Việt Nam
Có nhiều cách phân chia giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây hồ tiêu. Theo quan điểm thực hành sản xuất, các nhà kỹ thuật thường chia làm 4 giai đoạn: (1) Tạo mầm, nhú cựa; (2) Phát lộc, sổ chuỗi; (3) Lớn trái, chắc hạt; và (4) Chín trái, già cây. Mỗi giai đoạn có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy chế độ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn, thâm chí quyết định đến sinh trưởng, phát triển, năng suất, hiệu quả sản xuất và sự bền vững của vườn hồ tiêu.
Hình 3. Phân kỳ thực hành sản xuất của hồ tiêu ở Việt Nam
Vì thích cây xanh lá và phát đọt thật mạnh nên nhiều nông dân thường lạm dụng đạm; cung cấp dinh dưỡng sai lệch, mất cân đối dẫn đến cây tiêu sinh trưởng nghiêng về ra lá, dễ phát sinh sâu bệnh hại, năng suất không cao và kém bền vững.
Trái lại, khi cung cấp dinh dưỡng cân đối, hợp lý theo đúng nhu cầu của cây hồ tiêu theo từng giai đoạn thì cây sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt, bền vững và sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hình 4. Khuynh hướng thực tế chăm sóc hồ tiêu ở Việt Nam
Nguồn: (Phạm Công Trí, 2008)
Cung cấp dinh dưỡng khoáng không phù hợp,làm rối loạn dinh dưỡng, chẳng những có thể gây rụng chuỗi, mà còn cản trở quá trình ra hoa nuôi quả của cây (bồ cào).
Hình 5. Biểu hiện tác động của dinh dưỡng khoáng lên gié quả hồ tiêu ở Việt Nam
Khuyến cáo thực hành bón cân đối phân khoáng cho hồ tiêu
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xây dựng chế độ bón phân khoáng cân đối cho hồ tiêu. Tuy nhiên, phần lớn được triển khai trong điều kiện đặc thù hoặc là còn những hạn chế nội tại nên việc áp dụng trong thực tiễn vẫn có sự bất cập, cần phải có sự linh hoạt và cải tiến cho hợp lý. Kết quả bón cân đối khoáng hiện đang áp dụng hiệu quả trên các vườn hồ tiêu giai đoạn kinh doanh ở Việt Nam đã được TS. Phạm Công Trí và cộng sự tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) khái quát ở sơ đồ bên dưới (Hình 6).
Hình 6. Sơ đồ bón phân khoáng cho hồ tiêu (khái quát từ thực tiễn sản xuất)
Trong bối cảnh giá tiêu thấp, phân bón cao cần tối ưu chi phí phân bón, tăng hiệu quả sản xuất; để hỗ trợ nông hộ, WASI đã triển khai tiến bộ kỹ thuât mới: lấy mẫu đất phân tích và đề xuất phân bón theo độ phì đất, hiện trạng và năng suất vườn tiêu./.