Biến đổi khí hậu và sản xuất Cà phê, Hồ tiêu bền vững ở Đắk Lắk

Trương Hồng – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

 1. Biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là những thay đổi theo thời gian của khí hậu, trong đó bao gồm cả những hoạt động của con người gây ra. BĐKH xuất phát từ sự thay đổi cán cân năng lượng của mặt trời do thay đổi nồng độ các loại khí nhà kính, nồng độ bụi trong khí quyển, thảm phủ và lượng bức xạ mặt trời.

      BĐKH không chỉ là tăng nhiệt độ, tăng hàm lượng CO2, mà còn làm thay đổi quy luật thời tiết, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng. Tác động của BĐKH gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Mưa lũ xuất hiện nhiều làm tăng nguy cơ ngập lụt đối với các vùng đất canh tác cây lương thực làm cho mức độ rủi ro trong sản xuất cao hơn. Bên cạnh đó, những đợt hạn hán trầm trọng kéo dài cũng đe dọa các ngành sản xuất nông – lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Đăk Lăk như cà phê, cao su, hồ tiêu… Biến động của yếu tố nhiệt ẩm và các yếu tố khí hậu thời tiết khác cũng khiến năng suất, sản lượng của cây trồng và vật nuôi bị giảm; sức đề kháng của vật nuôi kém đi, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển bùng phát, gây ra nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng như bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; bệnh vàng lá do thối rễ cà phê; bệnh nứt thân cà phê; bệnh  rụng lá non cao su, loét miệng cạo…; một số bệnh gia súc, gia cầm như bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch heo tai xanh…. Mưa lũ lớn, hạn hán và nắng nóng làm cho đất đai bị rửa trôi, cằn cỗi, tình trạng suy thoái đất và sa mạc hóa diễn ra nhanh hơn.

     Sự thay đổi về thời tiết, mà rõ nhất là phân bố mưa, lượng mưa ở Đăk Lăk trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ. Tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, 1 là khá phổ biến. Điều này đã làm cho các loại cây trồng như cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn thụ tinh. Cà phê sau một thời gian khô cùng với nhiệt độ giảm đã phân hóa mầm hoa, khi tưới nước đầy đủ, thì hoa nở, những nhiều khi gặp mưa phùn thì quá trình thụ tinh trở ngại (do phấn không tung được), tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Hoặc đầu mùa khô, xuất hiện một đợt mua phùn làm hoa cà phê nở lai rai, nhưng tỷ lệ đậu quả cũng thấp cũng làm ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch sau này.

     Lượng mưa bình quân có xu hướng thay đổi, đặc biệt là  từ tháng 4 – 7 giai đoạn cây cà phê cần nhiều nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng cây và phát triển của quả cà phê, hồ tiêu, song gần đây vào các tháng này, lượng mưa có xu hướng thấp, tần suất mưa ít gây thiếu nước làm quả cà phê bị khô và rụng, hoặc nhân nhỏ; cây hồ tiêu bị rụng gié, dẫn đến thiệt hại về năng suất và giảm chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày càng xảy ra nghiêm trọng hơn về mức độ và rộng rãi hơn về quy mô, cùng với chi phí sản xuất như vật tư, công lao động đầu vào ngày càng tăng nhanh dẫn đến hệ lụy là chi phí sản xuất cao, lợi nhuận của người nông dân thấp và có nguy cơ sản xuất cà phê và hồ tiêu thiếu tính bền vững nếu như ngay từ bây giờ không có những giải pháp kỹ thuật canh  tác nhằm thích ứng với BĐKH. Trong thực tế, việc phân bố lượng mưa không đều, tổng lượng mưa năm sụt giảm, các điều kiện khí hậu khắc nghiệt gia tăng trong mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp bền vững của tỉnh Đăk Lăk, đặc biệt là đối với cây cà phê. Ảnh hưởng rõ nét nhất là hiện tượng mùa mưa kết thúc sớm làm cho cây cà phê phân hóa mầm hoa sớm, kết hợp với các cơn mưa muộn làm cho cây cà phê nở hoa sớm và không tập trung ảnh hưởng đến năng suất và kéo dài mùa khô. Thêm vào đó, tình hình hạn hán, thiếu nước tưới cho cà phê, hồ tiêu trong mùa khô ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mùa khô niên vụ cà phê 2016-2017, theo thống kê sơ bộ, có khoảng 40 % diện tích cà phê ở Đăk Lăk bị ảnh hưởng bởi thiếu nước tưới.

Để đảm bảo sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững thì việc tăng cường áp dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cây cà phê, hồ tiêu nhằm giảm chi phí giá thành, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm đặc biệt trong bối cảnh các tác động ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua, WASI đã  nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả của người trồng sản xuất.

II.Các giải pháp kỹ thuật áp dụng trong sản xuất cà phê , hồ tiêu bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng

1.Đối với cà phê

1.1. Giải pháp về giống

            Do tác động của biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước ngày càng có nguy cơ suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam; vì vậy việc xác định các bộ giống cà phê vối có tầm chín khác nhau sẽ là cơ sở cho việc bố trí cơ cấu giống thích hợp cho từng vùng sinh  thái trong mối quan hệ với đặc điểm nguồn nước.

1.1.1. Bộ giống chín trung bình (tầm chín từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12)

Giống TR4

Sinh trưởng khỏe, phân cành nhiều, cành hơi rũ; năng suất thời kỳ kinh doanh đạt >7 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm >70%; khối lượng 100 nhân từ 17 – 18 g; tỷ lệ tươi/nhân 4,1- 4,2; kháng gỉ sắt cao; thời điểm chín giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.

Một số lưu ý trong chăm sóc: thâm canh cao, tạo hình mạnh do đặc điểm của giống có nhiều cành tăm, cần hãm ngọn thấp.

  • Giống TR5

Năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt 5- 6 tấn nhân/ha; kích cỡ hạt rất lớn, hạt loại R1chiếm trên 90%, khối lượng 100 nhântừ 20 – 21g; tỷ lệ tươi/nhân 4,2 – 4,4; kháng cao đối với bệnh gỉ sắt; thời điểm chín vào đầu tháng 11 đến đầu tháng 12.

  • Giống TR7

Năng suất thời kỳ kinh doanh đạt trên 4 tấn nhân/ha, năng suất ổn định và không cách năm, tán gọn, cành dự trữ nhiều; hạt loại R1chiếm >70%; khối lượng 100 nhân từ   17 – 18 g; tỷ lệ tươi/nhân 4,3 – 4,4; thời điểm chín giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.

Giống TR8

Sinh trưởng rất khỏe; cho năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt trên 4 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm >68%; khối lượng 100 nhân từ 17 – 18 g; tỷ lệ tươi/nhân  4,3 – 4,4; bị bệnh gỉ sắt nhẹ; thời điểm chín từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.

Giống TR13

Năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt trên 5 tấn nhân/ha, hạt loại R1 chiếm > 90%; khối lượng 100 nhân từ 19 -20g; tỷ lệ tươi/nhân: 4,2 – 4,4; kháng rất cao bệnh gỉ sắt; thời điểm chín tập trung vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12.

Bộ giống này thích hợp ở vùng có đầy đủ nguồn nước tưới.

1.1.2. Bộ giống chín trung bình – hơi muộn (chín từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12)

 Giống TR9

Cành cơ bản nhiều, lóng đốt nhặt; năng suất 5 – 6 tấn nhân/ha; hạt loại R1chiếm từ 95- 98%; trọng lượng 100 nhân 24 – 25 g, tỷ lệ tươi/nhân 4,2 – 4,3; kháng gỉ sắt cao; thời điểm chín tập trung trong tháng 12.

Một số lưu ý trong chăm sóc và sử dụng: thâm canh cao, chín tập trung, hạt to, sử dụng cây ghép trồng theo hàng để thuận tiện cho việc thu hái và chế biến sản phẩm (không xay xát chung với các dòng khác dễ bị vỡ hạt).

          – Giống TR11

Cành to, khỏe, tán khá rộng, lóng đốt hơi thưa; năng suất 5 – 6 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm 77,2%; khối lượng 100 nhân 18,5 g; tỷ lệ tươi/nhân thấp 4,1 – 4,2; kháng gỉ sắt cao, hoàn toàn chưa bị bệnh; thời điểm chín tập trung trong tháng 12.

Một số lưu ý trong chăm sóc và sử dụng: cần thâm canh cao, vào thời điểm mưa nhiều sẽ khó tiếp hợp, ghép thích hợp trong mùa khô, tán lớn nên có thể trồng với khoảng cách 3,5 x 3,5 m.

          – Giống TR12

          Cành cơ bản nhiều, lóng đốt nhặt; năng suất trung bình 5 tấn nhân/ha, khối lượng 100 nhân trung bình 25 g, hạt loại R1 đạt 98%, tỷ lệ tươi/nhân4,3; kháng cao với bệnh gỉ sắt. Thời gian thu hoạch hàng năm từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12.

Lưu ý trong chăm sóc và sử dụng: thâm canh cao, tạo hình mạnh, cành tăm nhiều, tán nhỏ, hạt rất to.

Bộ giống này thích hợp ở vùng có đủ nguồn nước tưới.

 

 

* Bộ giống chín muộn (tầm chín từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau)

Giống TR6

Cành khỏe, ít phân cành; năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt 5-6 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm > 75%; khối lượng 100 nhân 17,5 g; tỷ lệ tươi/nhân thấp 4,1 – 4,2; kháng gỉ sắt cao; thời điểm chín từ  giữa tháng 12 đến giữa tháng 1 năm sau.

Một số lưu ý trong chăm sóc và sử dụng: thâm canh cao, có khả năng chịu hạn tốt, áp dụng những nơi có điều kiện bảo vệ tốt do đặc tínhgiống TR6 chín muộn.

Bên cạnh các giống cà phê vối đã được công nhận ở những giai đoạn trước thì giai đoạn 2011 – 2015 đã chọn tạo được hai giống cà phê TR14 và TR15 với các đặc điểm vượt trội: năng suất trung bình của các dòng từ 4,97 – 5,48 tấn nhân/ha, cao hơn có ý nghĩa so với dòng đối chứng TR6, khối lượng 100 nhân: 18,6 – 23,0g, tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt 92,6 – 97,4%, kháng cao với bệnh gỉ sắt. Đặc biệt đây là hai giống có thời điểm chín muộn vào thời điểm gần giữa mùa khô nên ít bị ảnh hưởng của các đợt mưa muộn. Hơn nữa, qua nghiên cứu cho thấy thời điểm tưới muộn hơn so với đại trà 25 ngày và chu kỳ tưới 35 ngày không ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả và năng suất và chất lượng quả hạt của các dòng cà phê vối chín muộn này.

Bộ giống này bố trí thích hợp ở các vùng có nguy cơ thiếu nước và đảm bảo an ninh trong công tác bảo vệ sản phẩm.

* Giống cà phê vối lai TRS1

Giống cà phê vối lai TRS1 được tạo ra từ 4 dòng vô tính TR4, TR9, TR11, TR12 bằng phương pháp lai tổng hợp có kiểm soát (tưới nước cách ly vào thời điểm hoa nở).

Giống cà phê vối lai TRS1 có đặc tính nhân giống bằng hạt.Đây là giống cho năng suất cao, chất lượng hạt tốt không thua kém so với các giống chọn lọc bằng con đường vô tính. Năng suất trung bình trên 5 tấn/ha, khối lượng 100 nhân trung bình 20,1g, tỷ lệ tươi/nhân 4,1. Tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh gỉ sắt < 10%.

Lưu ý: Cần cưa ghép cải tạo những cây có năng suất thấp do đặc tính phân ly và những cây bị bệnh gỉ sắt nặng để cải thiện độ đồng đều về sinh trưởng và năng suất trong vườn cà phê.

1.2. Giải pháp trồng xen, đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên vườn cà phê

        Ngoài việc khuyến cáo trồng cây che bóng lâu dài trong vườn cà phê, WASI đã nghiên cứu các giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả vừa có tác dụng làm cây che bóng, vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất độc canh cà phê. Trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê đã làm tăng thêm thu nhập cho nông dân từ 60 – 150 %; trồng xen cây bơ trong vườn cà phê thu nhập tăng từ 40 – 90 %; trồng tiêu bám trên cây trụ sống làm cây che bóng trong vườn cà phê như muồng đen, keo dậu Cuba thu nhập tăng từ 40 – 120 %. Ngoài ra, việc trồng xen đã làm cho năng suất vườn cà phê ổn định, chu kỳ tưới nước cho cà phê kéo dài hơn do cây che bóng làm hạn chế được quá trình bốc thoát hơi nước, giữ ẩm cho đất. Đây là giải pháp kỹ thuật góp phần sản xuất cà phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, lá, cành rụng của các loại cây trồng xen cũng góp phần cải thiện  tình trạng hữu cơ của đất, giúp đất tơi xốp và làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Trồng xen trong vườn cà phê đã làm tăng hiệu quả sử dụng nước 17,7 %; để sản xuất 1 tấn cà phê chỉ cần 500 m3 nước, trong khi đó vườn cà phê trồng thuần cần tới 600 m3 nước.

 

1.3. Giải pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm (theo nguyên lý phun mưa tại gốc)

Là kết quả nghiên cứu tưới tiết kiệm nước trên cơ sở cải tiến kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Nước được tưới theo từng gốc nhưng khác với tưới nhỏ giọt là có đầu phun mưa nhỏ ở mỗi gốc cà phê nên nước được thấm đều trên cả diện tích bồn cây.

– Ưu điểm

+ Phù hợp với yêu cầu sinh lý cây cà phê, cần một lượng nước khá lớn trong lần tưới đầu để giúp cây ra hoa tập trung. Tiết kiệm khoảng 20 % lượng nước tưới và phân bón, tiết kiệm phần lớn công lao động tưới nước và bón phân.

+ Lắp đặt đơn giản, vật liệu sản xuất trong nước với giá rẻ và có nhiều lựa chọn (trung bình 1 hệ thống khoảng 20 – 50 triệu/ha tùy vật liệu). Lưu lượng nước tại mỗi vòi phun cao, 60 – 80 lít/giờ/gốc, thời gian tưới lần đầu chỉ cần khoảng 4 – 5 giờ.

+ Kết hợp bón phân qua nước cho phép cung cấp dinh dưỡng đều và chủ động, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Sơ đồ hệ thống tưới tiết kiệm

Kết quả bước đầu về ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm qua hệ thống tưới

phun mưa tại gốc đã cho thấy có thể áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây cà phê với lượng nước tưới từ 350 – 380 lít/cây với chu kỳ tưới 20 ngày/lần.

Khi áp dụng kỹ thuật tưới này nông dân có thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới. Việc áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm so với phương pháp tưới phổ biến hiện nay của nông dân đã làm tăng hiệu quả kinh tế từ 12,69 – 16,60 %.

Thử nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước tại Gia Lai trong 2 năm cho thấy, trung bình trong 2 năm (2012, 2013) năng suất của các mô hình đều có cải thiện so với đối chứng. Riêng mô hình ở huyện Chư Păh cho thấy có sự vượt trội về năng suất giữa mô hình và đối chứng > 25%.

Về hiệu quả kinh tế các mô hình cho thấy, trung bình năm 2012 công thức MH (tưới TK + BPQN) lợi nhuận tăng bình quân 11,44 triệu đồng/ha (11,7 %); năm 2013 tăng 15,29 triệu đồng/ha (17,9 %) so với đối chứng.

Về vấn đề tưới nước, cần lưu ý tưới đúng thời điểm và đủ lượng cũng là giải pháp kỹ thuật góp phần quan trọng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý và hiệu quả, thích ứng với tác hại của biến đổi khí hậu.

Kết quả bước đầu về ứng dụng giải  pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm qua hệ thống tưới phun mưa tại gốc đã cho thấy có thể áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây cà phê với lượng nước tưới từ 350 – 380 lít/cây với chu kỳ tưới 20 ngày/lần.

Khi áp dụng kỹ thuật tưới này nông dân có thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới. Việc áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm so với phương pháp tưới phổ biến hiện nay của nông dân đã làm tăng hiệu quả kinh tế từ 12,69 – 16,60 %.

Thử nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước tại Gia Lai trong 2 năm cho thấy, trung bình trong 2 năm (2012, 2013) năng suất của các mô hình đều có cải thiện so với đối chứng. Riêng mô hình ở huyện Chư Păh cho thấy có sự vượt trội về năng suất giữa mô hình và đối chứng > 25%.

Về hiệu quả kinh tế các mô hình cho thấy, trung bình năm 2012 công thức tưới tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước lợi nhuận tăng bình quân 11,44 triệu đồng/ha (11,7 %); năm 2013 tăng 15,29 triệu đồng/ha (17,9 %) so với đối chứng.

1.4. Giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cà phê  kinh doanh

Giải pháp ICM cho cây cà phê (bao gồm sử dụng giống mới – các giống TR4, TR5, TR6, TR7, TR8…., ghép cải tạo, bón phân theo độ phì đất và năng suất, tưới nước hợp lý, tiết kiệm, quản lý cây che bóng, quản lý dịch hại tổng hợp…) đã làm tăng năng suất khoảng 10 %, so với các vườn đối chứng và hiệu quả kinh tế tăng 20-30%. Ngoài ra, áp dụng ICM đã tiết kiệm được chi phí đầu vào trung bình 16 %; tiết kiệm được lượng nước tưới khoảng 20 – 30 % (để sản xuất 1 tấn cà phê nhân với phương thức canh tác hiện nay cần 450 m3 nước; áp dụng ICM là 375 m3).

 Góp phần quan trọng trong việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và tăng thu nhập bền vững cho nông dân trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

1.5. Gói kỹ thuật bón phân cho cà phê dựa vào độ phì đất và năng suất cà phê

            Từ kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng và độ phì đất trồng cà phê ở Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng, WASI đã xây dựng được quy trình công nghệ bón phân cho cà phê đạt hiệu quả kinh tế và môi trường. Riêng ở Đăk Lăk, hàng năm WASI đã chuyển giao cho hàng ngàn nông dân gói kỹ thuật bón phân cho cà phê dựa vào độ phì đất và năng suất đạt được. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật này, trên 80 % nông dân tiết kiệm được chi phí mua phân bón từ 10 – 30 %; vườn cà phê sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất cao hơn so với trước đây từ 5 – 20 %; lợi nhuận tăng (bao gồm cả tiền tiết kiệm phân bón) từ 10 – 20%. Vấn đề không kém phần quan trọng là nông dân sử dụng tiến bộ kỹ thuật này đã giảm được lượng phân hóa học bón vào đất, do vậy góp phần bảo vệ được môi trường sinh thái và giảm được khí phát thải nhà kính. Ngoài ra, áp dụng gói kỹ thuật trên cũng góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng nước khoảng 6 – 10 %. Để sản xuất 1 tấn cà phê nhân chỉ cần lượng nước là375 m3, lô đối chứng là 494 m3 nước.

1.6. Gói giải pháp quản lý IPM cho cà phê

            Gói giải pháp quản lý IPM cho cà phê bao gồm việc tăng cường quản lý vườn cây, thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại phát sinh phát triển trên đồng ruộng để có hướng xử lý phù hợp trên quan điểm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi phát hiện sâu bện hại ở mức nguy hiểm thì tiến hành phòng trừ, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học. Trường hợp bị sâu bệnh hại năng, sử dụng thuốc hóa học để tiêu diệt nhanh nguồn bệnh, sau đó sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng. Chỉ phun thuốc hóa học cục bộ cây bị sâu bệnh, không nên phun toàn vườn (trừ trường hợp bệnh lây lan mạnh có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng). Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Ngoài việc quản lý sâu bệnh hại, giải pháp này còn chú trọng việc sử dụng giống cà phê tốt, không bị sâu bệnh gây hại, bón phân cân đối, hợp lý, tạo hình đúng kỹ thuật…. sẽ giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe và tăng khả năng chống chịu được áp lực của sâu bệnh hại trên đồng ruộng.

            Các mô hình áp dụng IPM đã giúp nông dân giảm được chi phí sử dụng thuốc hóa học từ 30 – 60 %, năng suất cao, ổn định so với đối chứng. Đặc biệt do giảm được lượng thuốc hóa học phun cho cà phê đã góp phần bảo vệ được môi trường, giảm phát thải nhà kính và đảm bảo sức khỏe của người sản xuất.

2. Cây hồ tiêu

2.1. Giải pháp trồng cây trụ sống cho tiêu bám                      

Kết quả điều tra nghiên cứu WASI khuyến cáo dùng trụ choái sống cho cây hồ tiêu bám là giải pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chu kỳ khai thác ở vườn hồ tiêu trồng choái sống dài hơn so với trồng trụ chết từ 20 – 50 %; năng suất ổn định; tình hình sâu bệnh hại nhẹ hơn so với vườn tiêu trồng trụ chết, đặc biệt là bệnh chết nhanh và chết chậm.

Hiện nay tỷ lệ diện tích hồ tiêu áp dụng trồng cây trụ choái sống ngày càng tăng, góp phần đáng kể trong việc hạn chế tình trạng phá rừng để khai thác trụ tiêu do vậy làm hạn chế được quá trình suy thoái về tài nguyên rừng là nguyên nhân làm tăng nhanh tác hại của biến đổi khí hậu.

Mặc dù sinh trưởng cây tiêu trồng trên trụ sống trong những năm đầu chậm hơn so với trồng trên trụ gỗ, trụ bê tông nhưng vào thời kỳ kinh doanh ổn định, các vườn tiêu trụ sống có lợi thế hơn về chiều cao trụ nên có thể thu được năng suất cao không thua kém các loại trụ khác. Ngoài ra, nhờ có độ che bóng nhất định của tán lá cây trụ mà vườn trụ sống có năng suất ổn định hơn, ít khi có hiện tượng kiệt sức do quá sai quả như ở các vườn tiêu trồng trên trụ chết.

Ngoài ra, việc sử dụng cây choái sống làm trụ tiêu cũng giúp giảm chi phí đầu tư trong thời kỳ trồng mới cây hồ tiêu, giúp điều hòa vi khí hậu trong vườn tiêu; giúp tiết kiệm chi phí tưới nước.. và do vậy cũng giúp giảm chi phí giá thành và giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất hồ tiêu của nông dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy các vườn tiêu trồng bằng cây trụ sống có chu kỳ tưới dài hơn khoảng 20 – 30 % so với vườn tiêu trồng bằng trụ chết; lượng nước tưới cũng ít hơn do quá trình bốc thoát ơi nước qua mặt thoáng ít nên mức độ khô hạn ít hơn.

Trồng tiêu trên trụ sống hoặc tạo bóng mát vừa phải trong vườn tiêu bằng cách trồng thêm cây che bóng trong các vườn trụ chết. Trong các mô hình ICM thực hiện ở Chư Prông và Đăk Đoa, cây keo dậu và lồng mức được đưa vào trồng xen trong vườn tiêu trồng trên trụ gỗ thì sau 2 năm cây che bóng đã phát huy tác dụng che bóng cho vườn tiêu.

Các cây trụ sống được WASI khuyến cáo phổ biến hiện nay: lồng mức (Wrightia annamensis), keo dậu (Leucoena glauca), mít (Artocarpus integrifolis), vông gai (Erythrina inerma), anh đào giả (Glyricidia maculata), muồng cườm (Adenanthera pavonina) và gần đây là cây gòn (Ceiba pentandra).

2.2.Giải pháp trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê

            Việc trồng xen tiêu với cà phê bằng cách cho cây tiêu leo bám trên cây che bóng hoặc cây đai rừng đã mang lại nhiều lợi ích. Mô hình trồng xen này không tranh chấp quỹ đất với cây trồng khác, chi phí đầu tư thấp, hạn chế sự lây lan và phát triển của bệnh chết nhanh, vườn cây phát triển bền vững và có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này hiện đang phát triển nhanh chóng tại huyện Cư Kuin, Cư M’gar và đã thực sự góp phần quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và nguồn nước do cây hồ tiêu có thể sử dụng lượng nước tưới cho cà phê và ngược lại. Giải pháp này cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân. Thu nhập tăng thêm từ việc áp dụng giải pháp này so với vườn cà phê không trồng xen từ 30 – 90 %.

2.3. Giải pháp trồng cây che bóng trong vườn tiêu trồng bám vào choái chết

            Trồng cây che bóng trong vườn tiêu trồng bằng choái/trụ chết có tác dụng điều tiết được quá trình ra hoa, đậu quả của hồ tiêu, giúp cho cây hồ tiêu cho năng suất ổn định và kéo dài chu kỳ khai thác, hạn chế được tác hại của bệnh chết nhanh, chết chậm. Cây che bóng có tác dụng điều hòa vi khí hậu trong vườn tiêu, hạn chế bốc thoát hơi nước, do vậy kéo dài chu kỳ tưới, giúp giảm được lượng nước tưới từ 10 – 20 %, góp phần sử dụng nước hiệu quả và giảm được chi phí đầu tư.

2.4. Giải pháp tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới

Trong thời gian qua, WASI đã nghiên cứu và bước đầu chuyển giao công nghệ tưới nước  tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước cho nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước do giảm được lượng nước tưới từ 15 – 20 %; làm tăng hệ số sử dụng phân bón, giúp tiết kiệm được lượng phân bónvô cơ N, P, K khoảng từ 30 – 40 %; góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng tiêu và hạn chế sự phát triển của sâu bệnh.

2.5. Gói giải pháp kỹ thuật bón phân cho hồ tiêu dựa vào độ phì đất và năng suất

            Áp dụng gói kỹ thuật này, nông dân tiết kiệm được chi phí mua phân bón từ 10 – 20 %; vườn tiêu sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất cao ổn định; lợi nhuận tăng (bao gồm cả tiền tiết kiệm phân bón) từ 7 – 15 %. Vấn đề không kém phần quan trọng là nông dân sử dụng tiến bộ kỹ thuật này đã giảm được lượng phân hóa học bón vào đất, do vậy góp phần bảo vệ được môi trường sinh thái và giảm được khí phát thải nhà kính là tác nhân gây biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ, gây hạn hán.. Ngoài ra, do bón phân cân đối nên cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển tốt tăng khả năng chống chịu với điều kiện khô hạn.

2.6.  Gói giải pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp  cho hồ tiêu  kinh doanh

Áp dụng gói giải pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp cho cây hồ tiêu(bao gồm sử dụng giống sạch bệnh – các giống Vĩnh Linh, Lộc Ninh…., trồng trụ sống, bón phân theo độ phì đất và năng suất, tưới nước hợp lý, tiết kiệm, quản lý cây che bóng (nếu có), quản lý dịch hại tổng hợp…), tiêu thoát nước đã làm tăng năng suất khoảng 7 – 12 %, so với các vườn đối chứng và hiệu quả kinh tế tăng  15 – 30%. Ngoài ra, áp dụng gói kỹ thuật này đã tiết kiệm được chi phí sản xuất trung bình 10 %; tiết kiệm được lượng nước tưới khoảng 15 – 25 % do vậy đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và tăng thu nhập bền vững cho nông dân trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, áp dụng gói giải pháp này giúp nông dân giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật phun cho hồ tiêu, do vậy giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và giảm thiểu khí phát thải gây hiêu ứng nhà kính.

3. Kết luận

            Biến đổi khí hậu có liên quan mật thiết đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đặc biệt là đối với các loại cây trồng cần nhiều nước. Vì vậy để từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu thì ngay từ bây giờ nông dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê, hồ tiêu và các doanh nghiệp cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào của tỉnh cần liên kết với nhau để hỗ trợ người sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của các loại cây trồng chủ lực ở Đăk Lăk. Đây là giải pháp mang tính bền vững để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt hơn./.