Mai Thị Hạnh
Bộ môn Bảo vệ Thực vật,
Triệu chứng
Trên lá: Khi bị nấm bệnh tấn công, ban đầu trên bề mặt của lá hồ tiêu xuất hiện những đốm có màu vàng, sau đó chuyển dần sang màu nâu rồi hóa đen, phân biệt rõ giữa mô bệnh và mô khỏe. Phần thịt lá nơi tiếp giáp với mô bệnh có màu vàng. Vết bệnh thường xuất hiện ở chóp và mép lá hồ tiêu, sau lan dần vào phiến lá. Lá bị bệnh nặng sẽ bị vàng, cháy và rụng.
Trên gié bông và gié quả: Bệnh xuất hiện từ mút của cuống hoa sau lan dần lên trên. Gié bị bệnh sẽ rụng sớm, cuống quả nhiễm bệnh chuyển dần sang màu đen và rụng. Trên quả xuất hiện những đốm đen, làm hạt mới hình thành bị khô và lép.
Trên thân cành: Bệnh có thể lây lan sang cả cành nhánh, gây nên những vết nứt sưng màu xám, bệnh nặng có thể cành nhánh bị khô và rụng. Các đốt thân thường ngắn lại, cây cằn cỗi…
Tác nhân gây bệnh:
Do nấm Colletotrichum spp. gây hại.
Điều kiện phát sinh và phát triển bệnh:
Bệnh thán thư thường phát triển mạnh vào mùa mưa, những vườn được chăm sóc kém, thiếu phân bón. Bệnh cũng gia tăng trên nền đất trồng nghèo hữu cơ và bón thiếu phân kali.
Biện pháp phòng trừ:
Thực hiện biện pháp tổng hợp sau để phòng trừ bệnh thán thư do nấm Colletotrichum spp. gây hại trên vườn hồ tiêu:
– Thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây để biết được diễn biến của bệnh thán thư, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Cắt bỏ lá bị bệnh hại nặng, thu gom (kể cả lá rụng do bệnh thán thư) đem ra ngoài vườn để tiêu hủy.
– Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho cây: phân hữu cơ hoai mục, phân vô cơ, phân vi sinh…
– Phun phân bón lá 2 – 3 lần/ năm.
– Bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng đăng ký trên hồ tiêu như 1-Naphthylacetic acid (NAA) hoặc các loại phân bón vào đất có bổ sung humic acid… để giúp cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển bộ rễ tốt.
– Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc hóa học đối với những cây bệnh nặng, phun 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 – 15 ngày. Có thể xử lý một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Azoxystrobin + Difenoconazole, Chlorothalonil + Mandipropamid, Copper Hydroxide, Metiram Complex, Propineb, Tebuconazole + Trifloxystrobin… Liều lượng và phương pháp sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì. Lưu ý: các thuốc hóa học được phép sử dụng có thể thay đổi hàng năm theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.