TS. Nguyễn Xuân Hòa
Bộ môn Bảo vệ thực vật
1. Mở đầu
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp cho thấy một hiện tượng mang tính quy luật là trồng trọt càng đi vào thâm canh, dịch hại càng phát triển mạnh, thuốc hóa học Bảo vệ thực vật (BVTV) càng sử dụng nhiều và tổn thất mùa màng do sâu bệnh càng gia tăng. Mặt khác, thâm canh trồng trọt còn kéo theo ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn dẫn đến sức khỏe con người bị đe dọa. Áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) không chỉ mang lại năng suất và chất lượng cho cây trồng mà còn đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội là hết sức cần thiết trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
2. Bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp bền vững
Cơ sở của biện pháp bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp bền vững
Các loài sâu hại, sinh vật gây bệnh cho cây trồng và cỏ dại là những thành phần không thể thiếu của các hệ sinh thái nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững công nhận giá trị nội tại của mọi sinh vật: tất cả các loài sinh vật trong hệ sinh thái đều có giá trị như nhau, cùng tồn tại và thực hiện chức năng của chúng trong chu trình chuyển hoá vật chất tự nhiên theo nguyên tắc: loài này tồn tại được là nhờ vào loài khác, các loài dựa vào nhau, ức chế lẫn nhau. Một loài sinh vật được gọi là có hại hay có lợi là xuất phát từ lợi ích của con người (Phạm Văn Lầm và Nguyễn Văn Liêm, 2005). Khi ở mật độ quần thể thấp, các loài được gọi là có hại không làm giảm năng suất cây trồng, đôi khi còn làm tăng năng suất cây trồng do kích thích khả năng tự đền bù của cây trồng. Những loài được gọi là có hại chỉ trở thành loài hại thật sự khi tổn thất do chúng gây ra đạt mức không thể chấp nhận được, tức là khi mật độ quần thể của chúng đạt tới hoặc cao hơn ngưỡng gây hại kinh tế.
Sinh thái học là cơ sở, nền tảng của sản xuất nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp bền vững là vận dụng các quy luật của tự nhiên để tạo nên một sinh quần nông nghiệp bền vững về mặt sinh thái, có tiềm năng cao về mặt kinh tế, có khả năng thoả mãn mọi nhu cầu của con người mà không tấn công thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Tính đa dạng sinh học được coi là một trong các nguyên tắc xây dựng nông nghiệp bền vững. Sự đa dạng sinh học bảo đảm được tính ổn định, bền vững của các hệ sinh thái nông nghiệp. Vì vậy, nông nghiệp bền vững chủ trương cùng chung sống với tất cả các loài sinh vật trong hệ sinh thái nông nghiệp, kể cả các loài được gọi là có hại. Nông nghiệp bền vững thực hiện chiến lược hạn chế chứ không tiêu diệt các loài có hại và để cho chúng tồn tại ở một mật độ thấp có thể chấp nhận được (Phạm Bình Quyền, 2003).
Các biện pháp BVTV được áp dụng trong nông nghiệp bền vững phải phù hợp với nguyên lý của nông nghiệp bền vững. Những biện pháp mang tính chất sinh thái, phòng ngừa hơn là diệt trừ dịch hại sẽ được ưu tiên nghiên cứu áp dụng rộng rãi trong xây dựng phát triển nông nghiệp bền vững. Các biện pháp canh tác (như xen canh, luân canh cây trồng), biện pháp sinh học, sử dụng giống kháng dịch hại … rất có ý nghĩa hạn chế nhiều loài dịch hại, đồng thời làm tăng sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp. Các biện pháp này cần được áp dụng rộng rãi trong phát triển nông nghiệp bền vững. Thực hiện đúng đắn và hợp lý các biện pháp này được vừa ngăn chặn được sự xuất hiện, tích lũy số lượng của dịch hại trên đồng ruộng, vừa góp phần tích cực vào việc tạo điều kiện cho thiên địch tồn tại. Một số biện pháp như thời vụ gieo trồng, luân canh cây trồng, sử dụng bẫy đèn, bẫy bằng chất dẫn dụ … mang tính cộng đồng. Nghĩa là các biện pháp này chỉ cho kết quả cao khi được áp dụng trên một quy mô rộng. Xây dựng các giải pháp BVTV hợp lý, thích hợp là phù hợp với nguyên tắc xây dựng nông nghiệp bền vững. Hạn chế sử dụng ở mức thấp nhất hoặc không sử dụng thuốc hóa học BVTV là một trong những yêu cầu của sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp bền vững coi việc sử dụng thuốc hóa học BVTV để trừ dịch hại là thứ vũ khí cuối cùng khi đã áp dụng tất cả các biện pháp sẵn có mà không kìm hãm được dịch hại ở dưới mức gây hại kinh tế. Khi sử dụng thuốc hóa học phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
Giải pháp bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp bền vững
Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là giải pháp then chốt cho sản xuất nông nghiệp bền vững
Thực tiễn đã cho thấy chỉ có áp dụng các biện pháp BVTV theo hướng (IPM) thì mới mong có hiệu quả cao trong phòng chống dịch hại và đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội. Nguyên lý của IPM hoàn toàn phù hợp với nguyên lý phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, IPM có thể được coi là một thành phần cơ bản trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Chương trình IPM quốc gia huấn luyện nông dân đã đưa ra 4 nguyên tắc của IPM: Gieo, trồng cây khỏe; Bảo tồn các loài thiên địch trên đồng ruộng để chúng khống chế dịch hại dưới mức gây hại kinh tế; Thăm đồng thường xuyên hàng tuần để có quyết định xử lý đồng ruộng kịp thời; Nông dân thành chuyên gia hiểu rõ hệ sinh thái đồng ruộng để tự quyết định các biện pháp phải thực hiện (Cục BVTV, 1994). Trong nhiều tài liệu của các nước phát triển, đặc biệt tài liệu của Hoa Kỳ đã đưa ra 5 nguyên lý của IPM. Để nhận thức đầy đủ hơn về nội dung của IPM, cần tham khảo các nguyên lý này: Để cho các loài dịch hại tồn tại ở mật độ thấp có thể chấp nhận được; Hệ sinh thái nông nghiệp là đối tượng để điều khiển và tác động; Sử dụng một cách tối đa các tác nhân gây chết tự nhiên đối với dịch hại; Bất cứ biện pháp BVTV nào cũng có thể gây ra hậu quả không mong muốn; Phòng chống dịch hại tổng hợp là chiến lược liên ngành khoa học (Bottrell, 1982).
Các biện pháp cấu thành của IPM bao gồm: Biện pháp kiểm dịch thực vật; Biện pháp canh tác; Các biện pháp di truyền; Biện pháp sinh học và sử dụng thuốc thảo mộc; Biện pháp thủ công và vật lý; Sử dụng các chất có hoạt tính sinh học cao, dầu khoáng để phòng chống dịch hại; Biện pháp hoá học. Tất cả các nhóm biện pháp vừa nêu (kể cả biện pháp hóa học) khi sử dụng đúng kỹ thuật thì đều phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhưng, những biện pháp mang tính chất sinh thái và phòng ngừa sẽ được ưu tiên sử dụng trước. Trong đó, các biện pháp canh tác được sử dụng hợp lý và kết hợp với biện pháp sinh học sẽ là cơ sở chắc chắn (cốt lõi) cho sự áp dụng thành công mọi hệ thống IPM trên bất kỳ cây trồng nào trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trong các nhóm biện pháp cấu thành của IPM, biện pháp hóa học là thứ vũ khí được sử dụng cuối cùng và khi sử dụng phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Khi đã áp dụng tất cả các biện pháp sẵn có khác mà không kìm hãm được dịch hại ở dưới mức gây hại kinh tế thì mới sử dụng biện pháp hóa học. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đều quan niệm IPM là sử dụng thuốc hóa học một cách “thông minh”.
Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc hóa học BVTV được nhắc tới theo thứ tự: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ/liều lượng và đúng kỹ thuật. Trong 4 cái đúng nêu trên thì đúng lúc là cái đúng quan trọng nhất, là cái đúng cần được nhắc đến và thực hiện đầu tiên chứ không phải đúng thuốc. Nếu xác định được đúng lúc một cách chính xác thì sẽ bác bỏ được những lần phun thuốc không hợp lý. Đúng lúc là tiêu chí về thời gian, nhưng để xác định chính xác tiêu chí đúng lúc lại phải dựa vào chỉ tiêu về kích thước quần thể (tức là dựa vào ngưỡng gây hại kinh tế) và cấu trúc quần thể của loài dịch hại. Ngưỡng gây hại kinh tế là cơ sở để bác bỏ những quyết định sử dụng thuốc hóa học BVTV không hợp lý. Chỉ khi xác định chính xác cái đúng đầu tiên “đúng lúc” thì mới cần xác định tiếp những cái đúng còn lại khác. Do đó, để cho hợp lôgíc, khi nói tới nguyên tắc 4 đúng cần nhắc và thực hiện theo thứ tự: đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ/liều lượng và đúng kỹ thuật.
Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ cho IPM
Chọn lọc xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý và cơ cấu giống hợp lý cho mỗi loại cây trồng với bộ giống đa dạng thích nghi với địa phương.
Ứng dụng tối đa các biện pháp BVTV phi hóa học (biện pháp canh tác, thủ công…) trong phòng chống dịch hại cây trồng nghiệp ở những nơi và vào những thời điểm có thể ứng dụng được.
Nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống cây trồng chống chịu sâu bệnh hại.
Nghiên cứu áp dụng các biện pháp duy trì, bảo vệ và nâng cao tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp nhằm khích lệ thiên địch tự nhiên để hạn chế dịch hại, góp phần giảm nhu cầu dùng thuốc hoá học, giảm dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, nâng cao sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thích hợp để sản xuất các chế phẩm sinh học từ vi sinh vật có ích hoặc xây dựng quy trình nhân nuôi lượng lớn các loài ký sinh và bắt mồi để thả vào sinh quần nông nghiệp nhằm thay thế một phần thuốc hóa học, góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc hoá học BVTV trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nghiên cứu áp dụng xông hơi sinh học để khử trùng đất trước khi trồng cây trồng cạn nhằm hạn chế các vi sinh vật gây bệnh, tuyến trùng, côn trùng và cỏ dại ở trong đất đối với những cây trồng có giá trị kinh tế cao (hoa, rau cao cấp,…).
Tiến hành nghiên cứu phát hiện các cây thực vật bản địa có tính độc để phát triển chế phẩm thảo mộc BVTV, góp phần thay thế chế phẩm thuốc hóa học BVTV.
Sử dụng thuốc hóa học đã và vẫn là một biện pháp quan trọng, không thể thiếu của IPM. Cần phải nghiên cứu các vấn đề xung quanh việc sử dụng hợp lý thuốc hóa học để giúp cho nông dân sử dụng an toàn và hiệu quả, giảm thiểu những tác động xấu do thuốc hóa học gây nên. Chọn lọc và xây dựng bộ thuốc hóa học thích hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nghiên cứu và triển khai áp dụng rộng rãi quy trình thực hành nông nghiệp tốt.
Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về IPM cho nông dân
Khi có được những kết quả nghiên cứu mới và những tiến bộ kỹ thuật mới về BVTV cần nhanh chóng ứng dụng thử và chuyển giao tới tận người nông dân.
Phương pháp tốt nhất chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân là xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ và cho nông dân tham quan mô hình để mở rộng mô hình. Cũng có thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật BVTV bằng cách tổ chức lớp tập huấn cho nông dân theo kiểu các lớp học IPM, các câu lạc bộ IPM.
Nâng cao hiểu biết về IPM cho nông dân
Hiện nay, trong thực tiễn sản xuất hiệu quả thực sự của IPM đạt chưa cao. Điều này chứng tỏ có những trở ngại về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và quan điểm. Những trở ngại này đã làm chậm trễ sự phát triển và ứng dụng IPM. Cản trở phổ biến nhất là sự thiếu hiểu biết về IPM. Sự áp dụng thành công IPM phụ thuộc rất nhiều vào việc tập huấn nâng cao nhận thức về vấn đề này cho cả nông dân và cán bộ cơ sở. Nhiệm vụ này cần được quan tâm thường xuyên.
3. Kết luận
Các loài dịch hại cây trồng đã, đang và sẽ là mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất nông nghiệp bền vững. Điều này nghĩa là phải áp dụng các biện pháp BVTV theo hướng tổng hợp (IPM) mới mong có hiệu quả cao trong phòng chống dịch hại và đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội. IPM là một chiến lược tiến bộ trong lĩnh vực BVTV và là duy nhất để phòng chống dịch hại trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bottrell D.G., 1982. Integrated pest management in rice in West Africa. WARDA, Liberia, 183-195.
- Cục BVTV, 1994. Hội nghị toàn quốc về quản lý tổng hợp dịch hại lúa. Hà Nội, 29-30/3/1994.
- Phạm Bình Quyền, 2003. Hệ sinh thái nông nghiệp và phát triển bền vững. Nxb ĐHQG, Hà Nội.
- Phạm Văn Lầm và Nguyễn Văn Liêm, 2005. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Sự sống. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 212-214.