BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 12/5/2020

(TS. Trần Vinh Tổng hợp thông tin từ Vicofa)

Đức hôm qua thông báo số ca nhiễm mới gia tăng theo cấp số nhân sau khi đã giảm trong thời gian phong tỏa trước đó; Hàn Quốc hôm 10/5 cũng cảnh báo về đợt bùng phát virus mới. Đáng chú ý, ở Vũ Hán – tâm dịch của Trung Quốc và cũng là nơi virus corona bùng phát lần này, đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên kể từ khi chính sách phong tỏa ở đây được dỡ bỏ hồi tháng trước.

Kết thúc phiên 11/5, giá dầu giảm vì lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai, giá thép, đồng và đậu tương tăng mạnh, cà phê biến động trái chiều.

Dầu giảm vì lo sợ về làn sóng virus corona thứ hai

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này vì nhà đầu tư lo ngại sẽ xảy ra một làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2. Tuy nhiên, việc Saudi Arabia cắt giảm thêm sản lượng đã làm át đi phần nào nỗi lo sợ về tình trạng dư cung, từ đó làm hạn chế mức giảm giá trong phiên vừa qua.

Đóng cửa phiên giao dịch 11/5, dầu thô Brent mất 1,34 USD (4,3%) xuống 29,63 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 60 US cent (2,4%) xuống 24,14 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng trong 2 tuần qua sau đợt giảm mạnh kéo dài trước đó bởi nhu cầu dầu toàn cầu giảm khoảng 30% vì đại dịch Covid-19 buộc toàn thế giới phải áp dụng chính sách hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, nỗi lo về làn sóng virus thứ 2 lại dấy lên sau khi hàng loạt các quốc gia cảnh báo số ca nhiễm virus gia tăng bất thường sau khi các doanh nghiệp trên toàn cầu đang xem xét hoạt động trở lại.

Về nguồn cung, Bộ Năng lượng Saudi Arabia đã chỉ đạo công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày kể từ tháng 6 tới, dự báo sẽ làm tăng hiệu quả của chính sách kiềm chế sản xuất, sau khi OPEC+ thực thi cắt giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày kể từ 1/5/2020. Chính phủ Kazakhstan cũng đã ký sắc lệnh cắt giảm sản lượng dầu từ tháng 5 trở đi theo thỏa thuận OPEC+ đạt được hồi tháng trước.

Vàng giảm do nhà đầu tư chọn USD trước lo ngại về làn sóng virus thứ 2

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch vừa qua khi USD hưởng lợi và tăng giá bởi nhà đầu tư mua mạnh vì lo sợ sẽ xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tại London giảm 0,3% xuống 1.695 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tại Mỹ giảm 0,9% xuống 1.698 USD/ounce.

Nhu cầu đối với vàng physical ở Trung Quốc trong tuần này đã được cải thiện đáng kể vì người mua tranh thủ lúc giá giảm, nhưng nhu cầu ở các trung tâm giao dịch lớn khác vẫn trì trệ vì chính sách phong tỏa và các dịp nghỉ lễ.

Các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, nhu cầu đối với USD sẽ rất mạnh. Nhưng về lâu dài, triển vọng giá vàng vẫn tích cực bởi các chương trình kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương khắp thế giới

Đồng cao nhất 8 tuần do kỳ vọng vào Trung Quốc

Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đang dần hồi phục sau thời gian phong tỏa kéo dài, đem lại hy vọng nhu cầu ở nước tiêu thụ đồng số 1 thế giới này sẽ mạnh lên, giữa bối cảnh ngân hàng trung ương Trung Quốc ra tín hiệu sẽ tăng cường kích thích kinh tế hơn nữa.

Phiên giao dịch 11/5, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng có thời điểm lên tới 5.370 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/3/2020, và đã tăng hơn 20% kể từ 19/3/2020 đến nay. Tuy nhiên, sau đó giá giảm trở lại, kết thúc phiên giảm 0,3% và chốt ở 5.258 USD/tấn.

Giám đốc điều hành Dan Smith của Commodity Market Analytics cho biết: “Các kim loại cơ bản đang phản ứn tích cực trước những dấu hiệu về việc hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang hồi phục và dần trở lại bình thường”.

Thép không gỉ cao nhất 9 tháng

Giá thép không gỉ tại Trung Quốc phiên vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng do nhu cầu trong nước tiếp tục hồi phục sau khi thị trường mở cửa trở lại.

Thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 phiên vừa qua có lúc tăng 4,4%, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 4% lên 13.675 CNY (1.931,55 USD)/tấn, cao nhất kể từ 1/8/2019.

Giá thép không gỉ tăng còn do một lý do khác nữa, đó là lo ngại về tình trạng nguồn cung một số nguyên liệu như nickel và chrome.

Hai hãng khai thác mỏ nickel hàng đầu ở Philippines đã khôi phục dần hoạt động khai mỏ và xuất khẩu kể từ tháng 5/2020 sau thời gian gián đoạn trước đó vì lệnh phong tỏa do Covid-19. Tuy nhiên, các thương gia cho biết sản lượng vẫn thấp hơn so với năm ngoái.

Về các loại thép khác, trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,1% xuống 3.452 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng phiên thứ 6 liên tiếp, thêm 0,03% lên 3.329 CNY/tấn. Hãng sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc – Baoshan Iron & Steel Co Ltd – thông báo sẽ nâng giá thép cuộn cán nóng thêm 50 CNY (7,06 USD)/tấn kể từ tháng 6 tới.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc tháng 4/2020 tăng lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm khi nền kinh tế dần hồi phục.

Cà phê biến động trái chiều:

Trong khi giá cà phê Arabica trên sàn New York quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng vào cuối tuần trước thì giá cà phê Robusta trên sàn London lại đi theo chiều ngược lại, sau khi giảm vào cuối tuần trước thì đã quay đầu tăng nhẹ. Cụ thể, đối với kỳ hạn tháng 7, Arabica giảm 0,90 cent/lb (tương đương 0,81%) xuống 110,75 cent/lb thì Robusta tăng nhẹ 12 USD/tấn (tương đương 1,01%) lên 1.198 USD/tấn.

Sáng nay 12/5 giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên có tăng nhẹ 200 ngàn đồng/tấn so với hôm qua, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 31 – 31,2 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 30,8 – 30,9 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.250 VND.

Thu hoạch cà phê ở Nam Mỹ vụ này có thể bị trì hoãn vì thiếu nhân lực do chính sách giãn cách xã hội để ngăn chặn Covid-19, đe dọa giảm lượng xuất khẩu cà phê chất lượng cao của khu vực này trong năm nay. Yếu tố này có lợi cho giá Arabica. Tuy nhiên, đồng Real yếu đi tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê Brazil hạ giá bán khi quy ra USD. Real Brazil đã bị thả nổi, giảm 31% kể từ đầu năm đến nay khi tình hình tài chính bất ổn tại Brazil cũng như ngân hàng đang thả nổi đồng Real để hỗ trợ nền kinh tế.

Rabobank đã có cuộc khảo sát lần thứ 4 và dự kiến sản lượng cà phê vụ tới (7/2020 – 6/2021) của Brazil có thể ở mức 67,50 triệu bao, trong đó 49 triệu bao Arabica và 18,5 triệu bao Conilon Robusta. Trong khi đó, Comexim dự báo con số 67,7 triệu bao, gồm 48,25 triệu bao Arabica (tăng 26,7%) và 19,45 triệu bao Robusta (tăng 19,19%) so với vụ trước.

Việt Nam: Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ chặt phá cây cà phê gây thiệt hại lớn đối với người dân, cụ thể ngày 02/5, tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, 111 gốc cà phê của một hộ trồng cà phê đã kẻ xấu chặt phá; ngày 06/05/2020, tại làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) gần 2.000 cây cà phê đã bị chặt phá. Phần lớn cây trồng có tuổi đời từ 3 đến 4 năm tuổi, chuẩn bị đến vườn thời kỳ thu hoạch.

Về tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2019 (theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) đạt 21.629 ha, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 15.545 ha. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.180 ha cây cà phê già cỗi (trong đó có 1.430 ha cà phê vối và 750 ha cà phê chè).

Trên khu vực Tây Nguyên, theo Ðài Khí tượng – Thủy văn Ðắk Lắk, nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh không có mưa. Dòng chảy trên các sông lớn như: Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50 đến 70% so với trung bình nhiều năm. Theo dự tính của cơ quan chức năng, hiện nay và trong những tháng tới, toàn tỉnh có hàng nghìn hecta đất nông nghiệp trồng cà phê, cao su, hồ tiêu… thiếu nước tưới. Tỉnh Gia Lai có hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng nhưng hiện nay một số đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn trong tỉnh cũng giảm mạnh. Tình trạng khô hạn thiếu nước trên địa bàn các tỉnh trong khu vực hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra với cường độ ngày càng gay gắt hơn.

Về tồn kho:

Lượng cà phê Arabica chế biến ướt được sàn New York cấp chứng nhận hôm thứ 6 tuần trước đăng ký ở mức 1.807.566 bao, tăng 4.270 bao so với hôm thứ 5, với 90,8% tương đương 1.640.327 bao nằm tại Châu Âu và 9,2% còn lại tương đương 167.194 bao nằm tại Mỹ. Trong khi đó, lượng hàng chờ được cấp chứng nhận giảm 8.950 bao chỉ còn 16.565 bao.

Tính đến thứ Hai ngày 04/5, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 65.000 bao so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở mức 2.211.667 bao.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Aarabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 28/4, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 36,52% xuống đăng ký ở 6.398 lô, tương đương 1.813.805 bao và có khả năng đã tăng mạnh trở lại sau giai đoạn thương mại chủ yếu tích cực hơn kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã giảm vị thế bán ròng thêm 2,76 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ngắn hạn ở 34.112 lô, tương đương 5.685.333 bao và có khả năng đã được giảm thêm sau giai đoạn thương mại tích cực hơn kể từ sau đó./.